Nữ nghi phạm Tashfeen Malik. Ảnh: ABC |
Theo nhà điều tra, nghi phạm Tashfeen Malik đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trước khi gây ra vụ tấn công.
Trang CBSnhận định, những vụ tấn công do thủ phạm là phụ nữ đã từng có ở nhiều quốc gia, nhưng hiếm khi xảy ra ở Mỹ. Do vậy, dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm việc Malik từ một người mẹ đã trở thành kẻ tấn công khủng bố.
Theo ABC, Malik sinh ra ở Pakistan. Nguồn tin chính phủ Saudi Arabia cho biết, Malik theo gia đình chuyển đến Saudi Arabia vào năm 1990 khi cô 4 tuổi. Năm 2007, Malik trở về Pakistan để học đại học và lưu lại đây đến năm 2012. Nguồn tin tình báo Pakistan cho biết Malik được đánh giá là một sinh viên xuất sắc và không liên quan đến những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo nào ở nước này.
Malik gặp Syed Rizwan Farook (nghi phạm thứ 2 trong vụ tấn công) thông qua một trang web hẹn hò. Giới chức Mỹ cho rằng, Farook có thể đã đến ra mắt gia đình ở Saudi Arbia vào mùa thu năm 2013.
Tháng 7/2014, cặp đôi trở về Mỹ và họ kết hôn vào một tháng sau đó. Malik đến Mỹ bằng thị thực dành cho “hôn thê”, dưới sự bảo lãnh của chồng sắp cưới. Trong hồ sơ thị thực, cô ghi quê quán là một địa chỉ ở Pakistan. Tuy nhiên, ABCcho biết địa chỉ này không có thật. Vào mùa hè năm 2015, Malik chính thức được cấp thẻ xanh. Cùng khoảng thời gian này, cặp vợ chồng đón con gái đầu lòng.
Quá trình Malik trở thành một phần tử cực đoan, cũng như động cơ khiến cô quyết định tuyên bố trung thành với phiến quân IS, là điều mà nhà điều tra vẫn đang làm rõ. Cơ quan tình báo Saudi Arabia cho biết, Malik không nằm trong danh sách những đối tượng cần theo dõi. Cô cũng không có mối liên hệ nào với những nhóm khủng bố trong khu vực.
Một quan chức FBI cũng thừa nhận, Farook và Malik không phải là những nhân vật trong danh sách đen của cơ quan này. Đặc vụ FBI David Bowdich cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thể xác định, là Farook truyền sự ảnh hưởng cho Malik hay ngược lại. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng những người chồng luôn có sự ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn là điều cần phải làm rõ”.
Nada Bakos, cựu chuyên viên phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói bà không ngạc nhiên nếu Malik bị tiêm nhiễm với các tư tưởng của IS. “Chủ nghĩa khủng bố không bỏ qua bất kỳ giới tính nào”, Bakos nhận xét.
Luật sư đại diện cho gia đình Farook tỏ ra hoài nghi về những thông tin nói cặp vợ chồng đã tuyên bố trung thành với IS. Người này dẫn lời các thành viên trong gia đình rằng cặp đôi không có dấu hiệu hay bằng chứng rõ rệt về hành vi hung hăng hay quan điểm tôn giáo cực đoan. Một người thân cho biết, cô Malik là người “nói năng nhỏ nhẹ” và khá kín tiếng. Cô luôn mang khăn che kín khuôn mặt khi ra đường.
Ngày 2/12, ba tay súng mang vũ khí và có thể mặc áo chống đạn, đã tấn công Trung tâm Vùng nội địa, một tổ chức y tế phi lợi nhuận ở thành phố San Bernardino. 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương sau vụ việc. Hai nghi phạm đã chết, kẻ thứ ba đã bị khống chế.
Theo Zing