Mỗi lần đi chợ mua thực phẩm, chị Hoàng Thị Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội) lại lúng túng, không biết đâu là đồ sạch, nguồn gốc của chúng như thế nào. Những câu chuyện về gạo giả, rau phun thuốc kích vọt... khiến chị cảm thấy bất an.
Thế nhưng, sau khi giải được bài toán mua thực phẩm sạch (rau, thịt, cá...) tích trữ từ một bà con tin cậy ở dưới quê, chị lại nảy sinh lo lắng về gạo. "Có lần về quê, nghe phong thanh bà con chia sẻ, sau mỗi mùa thu hoạch, cây lúa phải ngấm đến trên dưới 10 lần thuốc sâu nên cũng lo không biết tìm gạo sạch ở đâu", chị Phương Anh nói.
Sau chuyến đi công tác ở Hà Giang, chị bắt mối được với một người chuyên thu mua lúa gạo của bà con trong bản. Lúa trồng tại đây được tưới tiêu tự nhiên, không bón phân vô cơ hay phun thuốc trừ sâu.
Mặc dù đắt đỏ, mẫu mã không đẹp, song được cho là trồng tự nhiên, không thuốc sâu hay phân vô cơ, gạo nương các vùng Hà Giang, Điện Biên... đang được một số gia đình lựa chọn. Ảnh: Hải Phượng. |
Giá gạo tẻ nương dao động 27.000-30.000 đồng/kg, tùy thời điểm, khá đắt so với các loại khác. Ngoài ra, chi phí gửi về Hà Nội khá cao, dao động 150.000 đồng một bao 50 kg. Song, gạo này chỉ có theo mùa, số lượng có hạn nên khách phải đặt mua sớm. Chị Phương Anh đặt mua liền lúc 4 tạ, mang về Hà Nội 1/3. Số còn lại, chị dự trữ ở dạng thóc, đặt đại lý bảo quản và xay xát, gửi về khi có nhu cầu.
Trước, gia đình chị thường ăn tám thơm hoặc tám Thái, giá chỉ 17.000-20.000 đồng/kg. Song hiện giờ dùng gạo vùng cao, tuy giá đắt đỏ, mẫu mã không đẹp nhưng chị cảm thấy yên tâm. "Thực phẩm sạch ngày càng hiếm, quý. Nên nhiều người có tiền cũng chưa chắc mua được. Vì thế, Tết này tôi cũng tặng mỗi nhà người thân vài cân làm quà biếu", chị cho hay.
Không yên tâm về gạo bán ngoài chợ hay ngay cả siêu thị, gần một năm nay, gia đình chị Ngọc Lĩnh ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng đã đặt mua gạo tẻ Điện Biên từ một mối quen ở địa phương. Chị cho biết, mỗi kg gạo tẻ nương, tính cả chi phí gửi về là 40.000 đồng/kg, đắt gấp 2-3 lần gạo thường. Song việc đắt đỏ với chị không còn quá quan trọng, miễn là an tâm với bữa cơm hàng ngày.
Đề phòng gạo nhựa, gạo độc, nhiều người chấp nhận bỏ chi phí gấp 2 lần để mua gạo nương canh tác thủ công về ăn. Ảnh: Hải Phượng. |
Theo chị Phượng, đại lý phân phối gạo ở Hà Giang, gạo nương tuy không phổ biến nhưng đang được nhiều khách hàng thành phố ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm. Lúa nương chỉ có một mùa, thu hoạch vào tháng 10 trong năm. Người dân trong bản trồng trên nương, canh tác theo hình thức thủ công nên sản lượng phục thuộc vào thời tiết.
Gạo nương có giá cao hơn thị trường do đại lý phải vượt hàng trăm cây số lên bản thu mua của bà con, kéo theo nhiều chi phí. Cũng vì thế, trong khi chị Phượng phải nhập các loại gạo ở Thái Bình, Nam Định... mức giá 11.000-13.000 đồng/kg để phân phối trong cả tỉnh thì gạo nương lại được bán ngược lại dưới xuôi, thường phục vụ phân khúc khách hàng có điều về kiện kinh tế.
Dù thế, chị Thanh Nhiệm, đại diện phối gạo PT (Thái Bình), cho hay, quan điểm cho rằng phun thuốc sâu lúa sẽ khiến gạo độc hại là không chính xác. Bởi theo quy trình canh tác, thời kỳ phun thuốc được chiếu theo quy định của từng địa phương, đúng theo hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ghi trên bao bì. Do đó, theo lời chị Nhiệm, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo của đại lý về loại gạo sạch, không hóa chất.
Trước đó, thông tin về gạo giả làm bằng nhựa ở Trung Quốc về Việt Nam và một số nước Châu Á khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm, thông tin về trứng, gạo nhựa ở Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2012. Tuy nhiên, những năm qua, cơ quan chức năng đã điều tra và chưa từng phát hiện các sản phẩm trên được làm giả, lưu thông, sử dụng hay sản xuất tại Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho biết, làm trứng giả, gạo nhựa đòi hỏi công nghệ phức tạp, chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường. Vì thế, sẽ không ai sản xuất thực phẩm nhựa đại trà để trà trộn vào hàng thật với chi phí cao nhưng lại bán ra với giá bằng nhau.
Theo Zing