Ngày 24/11, tại cuộc họp về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tập trung từ nay đến Tết Bính Thân (2016) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Công Thương và Sở Y tế TP.HCM đồng tổ chức, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, nêu thực trạng một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý lo lắng khi mua thực phẩm và băn khoăn không biết mua thực phẩm an toàn ở đâu? Cơ quan chức năng chuyên ngành khẳng định sẽ phối hợp chặt với cơ quan cảnh sát điều tra, quản lý thị trường nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.
Táo Trung Quốc dính độc
Ông Dương Đức Trọng, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, cho biết trong 11 tháng năm nay, đã lấy 574 mẫu rau quả gửi phân tích định lượng về tồn dư thuốc BVTV, kết quả có 8 mẫu vi phạm.
Trong đó, đáng chú ý có 1 mẫu táo Trung Quốc kinh doanh tại chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện Carbendazim (thuốc diệt nấm) có hàm lượng 0,36mg/kg (giới hạn cho phép tối đa là 0,2mg/kg). Về trái cây Trung Quốc, cơ quan này cũng lấy 9 mẫu đào (đội lốt là đào Sa Pa để bán lẻ) gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng 4 phân tích đa dư lượng thuốc BVTV. Kết quả có 7/9 mẫu tồn dư thuốc BVTV nhưng chưa được coi là vi phạm do không vượt mức giới hạn cho phép.
Rau củ quả an toàn được bày bán nhiều trong các siêu thị |
Bảy mẫu vi phạm còn lại là rau quả trong nước bị phát hiện ở nơi sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh và chợ đầu mối.
Cụ thể, tại vùng trồng phát hiện 1 mẫu cải xanh chứa Chlorpyrifos, 1 mẫu rau dền và 1 mẫu mồng tơi chứa Deltamethrin vượt mức giới hạn cho phép, trong đó có mẫu vượt gần 2,4 lần. Cả 3 mẫu trên đều được lấy khi đang thu hoạch tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh.
Chợ đầu mối Hóc Môn có 2 mẫu vi phạm gồm cải thìa nhiễm Chlorpyrifos, có nguồn gốc từ tỉnh Tiền Giang và ớt hiểm nhiễm Permethrine, nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. Chợ đầu mối Bình Điền phát hiện mẫu xà lách búp nhiễm Permethrine, nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng.
Đối với rau quả, một thực tế lâu nay là khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt thì hàng kèm mẫu đã được tiêu thụ hết. Ông Trọng cho biết quy định hiện nay trong quá trình lấy mẫu chưa được phép tạm giữ lô hàng nên khi có kết quả chỉ phạt nguội, không xử lý được tang vật. “Về lý thuyết, kết quả sẽ có sau 48 giờ gửi mẫu nhưng do năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế nên thực tế phải từ 1 tuần đến 10 ngày mới có kết quả” - ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Phước Trung cho biết không chỉ với rau mà thịt hay thực phẩm tươi sống nói chung cũng đều gặp phải vấn đề này.
Theo ông Trung, khi lấy mẫu, dù có nghi ngờ nhiễm độc thì hàng vẫn là hợp pháp, chưa phải là tang vật nên không thể tạm giữ. Nếu tạm giữ thì tạm giữ ở đâu vì hàng tươi sống cần có điều kiện bảo quản nhất định, kinh phí bảo quản cũng là vấn đề mà luật chưa quy định chi tiết. Đến khi có kết quả phân tích định lượng, nếu dưới ngưỡng vi phạm thì những thiệt hại về kinh tế do giá trị lô hàng giảm sút ai chịu trách nhiệm. Đó là chưa kể tình trạng vênh kết quả giữa các phòng phân tích gây khó khăn cho công tác xử lý.
“Những vướng mắc này đã được nêu trong cuộc họp mới đây với Bộ NN-PTNT nhưng câu trả lời là hiện nay chưa có quy định. Do vậy, khi có kết quả vi phạm, nếu hàng còn thì sẽ tổ chức thu hồi, tiêu hủy” - ông Trung nói.
Chi tiền mua tin thực phẩm bẩn
Về chất tạo nạc cấm sử dụng thuộc nhóm beta - agonist, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, thông tin đợt kiểm tra mới nhất, từ ngày 15 đến 19/11, với 119 mẫu tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP đều có kết quả âm tính, cho thấy tình hình đã cải thiện so với thời điểm trước đó (97/522, tương đương gần 19% tồn dư chất cấm).
“Tín hiệu mừng là hiện nay nhiều thương lái đã chủ động thực hiện test nhanh tại trại nuôi hoặc vựa trước khi mua để tự bảo vệ mình. Do thương lái mua đứt bán đoạn, không có hợp đồng nên khi bị phát hiện có chất cấm phải chịu trách nhiệm với cơ quan chức năng mà không đòi bồi thường được bên bán” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, để bảo đảm ATTP trong lĩnh vực thú y cần sự chung tay của nhiều lực lượng, trong đó phải kể đến nguồn tin từ người dân. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã chi hơn 77 triệu đồng để mua 67 thông tin từ người dân nhằm mục đích kiểm tra xử lý vi phạm.
Hiện Sở NN-PTNT đã công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về mất ATTP và chất cấm trong chăn nuôi là: 08 3829 1382 - 08 3955 1361 hoặc 0903 667 735. Theo quy định mới của Bộ NN-PTNT, mức chi thưởng tối đa cho người cung cấp thông tin có thể lên tới 5 triệu đồng/tin báo.
Mua thực phẩm an toàn ở đâu? Cùng ngày, Sở NN-PTNT TP.HCM công bố danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người dân lựa chọn. Trong đó, có 93 đơn vị trong lĩnh vực rau củ quả, 11 đơn vị trong lĩnh vực trứng, thịt và 23 đơn vị trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, thực phẩm đạt chuẩn “chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM” phần lớn được bán tại các siêu thị như Co.opmart, Vinatex, Metro, Maximark và các điểm bán lẻ trực tiếp của các doanh nghiệp. |
Theo NLĐ