Nhà nước vẫn tham lam, đầu tư công còn méo mó
Tại diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh diễn ra vào sáng 24/11 tại Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét, đặc điểm nổi bật cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác.
Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển và thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên chiến lược như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển con người và tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng cũng như thể chế.
Ông Ánh chỉ ra rằng, nguyên nhân trực tiếp khiến tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế hơn nữa, không thay đổi căn bản là do tái cơ cấu đầu tư công không gắn với vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
Theo đó, vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm, thôi bàn về hiệu quả đầu tư công vì đây là bài toán triền miên, vấn đề phải cắt giảm đầu tư công và giữ khoảng 10% GDP và trong chừng mực này lựa chọn những dự án "tử tế" để làm.
"Đầu tư khu tập trung hành chính là đau đầu, lõi vấn đề là dẹp bớt đầu tư theo phong trào, dự án phải chỉ ra nguồn. Cần xem lại với bằng đó tiền để chủ động sắp xếp, chọn cái gì phục vụ cho đất nước này nhiều. Chúng ta quá hiểu nền kinh tế chuyển đổi là gì với một bên là nhà nước, một bên là thị trường, nhà nước không can thiệp, nhà nước phải tách biệt không thể vừa đá bóng vừa thổi còi", ông Ánh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Ánh, với những việc thị trường không làm được, không được phép làm hoặc không muốn làm, nhà nước làm.
Không đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nói, nếu làm như nhà nước cùng dự án lãi của tư nhân sẽ cao hơn. Việc hạn chế thấp nhất sự tham gia của nhà nước cũng không nên mà phải trả hẳn về thị trường.
Cũng theo bà Lan, việc giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp là không đúng mà nhà nước cần rút hẳn khỏi các ngành này.
Toàn cảnh hội thảo diễn ra vào sáng 24/11 tại CIEM. |
"Đầu tư công mở ra để đấu thầu rộng rãi vẫn khó khắc phục hạn chế nếu nhà nước vẫn tham lam do đó cần xác định lại vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường", bà Lan nhấn mạnh.
"Tôi cho rằng nhà nước cần nhường lại, trả lại xã hội đầu tư thương mại và để xã hội cùng làm đầu tư mục đích công cộng. Nhà nước vẫn tham lam đầu tư công và sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục méo mó", bà Lan tiếp lời.
Bệnh lây nhiễm mới dùng thuốc giảm sốt
Trình bày tại hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh, Viện CIEM cho biết, hạn chế đầu tư công và tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở việc siết chặt kỷ luật đầu tư công, có nguồn với được đầu tư, chưa có có chế phân bổ vốn đầu tư công về các chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh; kỷ luật đầu tư công còn lỏng lẻo, thiếu những quy hoạch cứng...
Nguy cơ lớn nhất là nợ công tăng cao và gây bất ổn vĩ mô. Tư duy nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua đầu tư công vẫn còn hiện hữu, tỷ lệ thu ngân sách/GDP có xu hướng giảm.
Tại bàn chủ toạ, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, có những khái niệm mà Việt Nam nói ra nhưng giải thích mãi thế giới mới hiểu trong đó có cổ phần hoá và đầu tư công.
Cũng tại Việt Nam, liên quan đến đầu tư công, tránh nhiệm giải trình chỉ trả lời "đúng quy trình" bất kể hệ quả xảy ra như nào, "đúng quy trình" chỉ là hình thức.
"Đầu tư công như người rất nhiều bệnh và có những loại bệnh lây sang người khác. Có người đang sử dụng "con người" này như công cụ để trục lợi", ông Cung ví.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Đặng Đức Đạm cho biết, trong khi đầu tư công giống như "người mắc nhiều bệnh", 10 năm qua với chiến lược tái cơ cấu đầu tư công cho thấy Việt Nam mới thấy được triệu chứng của con bệnh và mới điều trị được bằng thuốc giảm sốt, kháng sinh chưa xác định được nguyên nhân con bệnh và càng chưa chữa được bằng thuốc đặc hiệu.
Theo BizLive