Sau khi ra mặt bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24, NATO có thêm động thái chọc giận Nga khi mời Montenegro gia nhập hôm 2-12. Đây là lần mở rộng đầu tiên của liên minh quân sự hiện gồm 28 thành viên kể từ năm 2009.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyết định “lịch sử” nói trên được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ, qua đó nêu bật “chính sách mở cửa” của liên minh. Các nhà ngoại giao NATO cho biết bước đi này còn nhằm gửi đi thông điệp Nga không thể cản trở họ mở rộng. Dù vậy, nội bộ NATO vẫn có ý kiến chỉ trích các nhà lãnh đạo Montenegro chưa tiến hành những cải cách chính trị, dân sự cần thiết để trở thành một thành viên NATO.
Vì thế, theo đài BBC, quá trình đàm phán chính thức về vấn đề Montenegro bước chân vào NATO dự kiến kéo dài đến 1 năm. Đại sứ quán Mỹ tại Montenegro cho rằng kết quả này, nếu có, sẽ “đóng góp vào sự ổn định của vùng Balkan, châu Âu và cả thế giới”
Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo hôm 2-12 Ảnh: REUTERS |
Ngay lập tức, Nga phản ứng mạnh mẽ “sự khiêu khích” trên. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết việc NATO tiếp tục lấn sang phía Đông sẽ dẫn đến những biện pháp đáp trả từ Nga nhưng không cung cấp chi tiết. Trong khi đó, ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, cảnh báo Moscow sẽ chấm dứt các dự án chung, kể cả về quân sự, với Montenegro nếu nước này gia nhập NATO.
Quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin Reuters, NATO đang có kế hoạch gửi máy bay tuần tra và tên lửa để tăng cường hệ thống phòng không của Ankara tại khu vực giáp biên giới Syria. Nhiều khả năng các thành viên NATO sẽ điều thêm tàu tới phía Đông Địa Trung Hải, máy bay tới căn cứ Incirlik và tên lửa hỗ trợ cho Tây Ban Nha - nước duy nhất còn giữ lại hệ thống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, sau khi Nga đưa hệ thống phòng không S-400 đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hệ thống gây nhiễu điện tử trên mặt đất KORAL ở biên giới với hy vọng vô hiệu hóa radar của Nga.
Căng thẳng giữa Nga - NATO có thể trầm trọng thêm khi tại một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hôm 1-12, bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, cáo buộc Nga vẫn vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng như phớt lờ những cảnh báo từ phía Washington về vấn đề này.
“Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về những biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự để bảo vệ lợi ích của Washington và các đối tác” - bà Gottemoeller cảnh báo, đồng thời cho hay một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga đang được xem xét.
Hồi tháng 7-2014, Washington lần đầu cáo buộc Moscow vi phạm INF khi phát triển loại tên lửa hành trình mặt đất bị hiệp ước này cấm. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga nói các cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ.
Mỹ tung đặc nhiệm tới Iraq Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 1-12 cho biết sẽ triển khai đặc nhiệm viễn chinh tới Iraq để trợ giúp các lực lượng địa phương đẩy mạnh cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phát biểu trong cuộc điều trần cùng ngày trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định đó mới là bước khởi đầu và nếu nước cờ này phát huy tác dụng thì Mỹ sẵn sàng tăng cường hành động. Cũng theo ông, lực lượng nói trên còn có thể mở các chiến dịch đơn phương bên cạnh các nhiệm vụ tấn công, giải cứu con tin, thu thập tình báo và truy lùng các thủ lĩnh IS. Lầu Năm Góc chưa công bố con số chính thức song một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ có khoảng 200 đặc nhiệm được điều động đợt này. Theo Reuters, các nhóm vũ trang Hồi giáo Shi’ite của Iraq phản ứng khá gay gắt. Người phát ngôn của nhóm Kata’ib Hezbollah, ông Jafaar Hussaini, cảnh báo sẽ chiến đấu chống lại bất cứ đặc nhiệm Mỹ nào đến Iraq. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng việc triển khai lực lượng tác chiến nước ngoài trên bộ ở Iraq là không cần thiết và sẽ không thể triển khai nếu Baghdad không chấp thuận. |