Từ vụ việc Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt bị tài xế xe tải kéo lê trên Quốc lộ 5 cho thấy vấn đề chống người thi hành công vụ đang gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội - để làm rõ những nguyên nhân và vấn đề đặt ra hiện nay
Phóng viên: Xin Đại tá cho biết tình hình thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông (CSGT) và việc chấp hành các quy định của người tham gia giao thông hiện nay?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: CSGT có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Thành thật mà nói, ai cũng muốn trời nắng cháy được ngồi chỗ mát, trời mưa rét được ở trong nhà, 19h tối được ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình… nhưng CSGT thì những lúc như vậy vẫn phải ở ngoài đường giữa các hàng ngàn làn xe chạy và hứng khói bụi, vẫn làm nhiệm vụ phân luồng và hướng dẫn giao thông để người dân được an toàn, đời sống xã hội được bình yên.
Trong khi đó, một bộ phận người tham gia giao thông suy thoái đạo đức, ý thức không thượng tôn pháp luật, bất chấp và coi thường pháp luật nên khi CSGT ra hiệu lệnh để dừng xe xử lý vi phạm thì một số đối tượng trốn tránh kiểm soát, những đối tượng hung hãn thì cố tình đâm xe vào lực lượng thực thi nhiệm vụ, ngoài ra còn có những đối tượng có nhận thức và ứng xử không văn hóa, lăng mạ, chửi bới, chống đối, vu khống CSGT nên dẫn tới thương tích và cả hy sinh.
Hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, theo Đại tá nguyên nhân nào dẫn đến tình hình này?
Nguyên nhân là do suy thoái đạo đức của người lái xe về việc thiếu tôn trọng pháp luật. Các quy định của pháp luật về xử lý tội danh của người chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm ngày càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội |
Đơn cử như hành vi chống người thi hành công vụ chiếu theo Nghị định 171 là phạt trung bình từ 320.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô và 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và tước giấy phép 1 tháng; hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ hoặc đe dọa tính mạng nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 20 Nghị định 167 trong lĩnh vực an ninh trật tự xã hội áp dụng phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Theo điều 257 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định về xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ theo các mức: Phạm tội ít nghiêm trọng phạt cải tạo không giam giữ 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức phạt cao nhất cho hành vi chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng là phạt tù 7 năm.
Từ thực tế xử lý vi phạm và sau nhiều vụ CSGT bị tấn công, một số ý kiến cho rằng do CSGT lạm dụng quyền lực và quyền hạn nên đã dẫn tới những bức xúc cho người tham gia giao thông, Đại tá nhìn nhận như thế nào?
Một người lính thì làm gì có quyền lực, làm nhiệm vụ ở ngoài đường và dừng xe xử lý vi phạm chỉ là quyền hạn. Khoác trên người bộ cảnh phục khi ở ngoài đường thì họ là người đại diện cho pháp luật, thực hiện nhiệm vụ theo quy trình quy định. Có những trường hợp CSGT ra hiệu lệnh thì bị người tham gia giao thông chửi bới, ném mắm tôm, ném gạch, tấn công… đó là những chuyện bất khả kháng.
Tôi nhận những thiếu sót, tồn tại của một số anh em chiến sỹ khi có những việc A việc B trong khi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình quy định, có những thái độ và lời lẽ chưa phù hợp, thiếu sót về điều lệnh tư thế tác phong khi tiếp xúc với nhân dân… Chúng tôi đã chấn chỉnh nhưng một số vẫn chưa thực hiện đúng nên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, hành vi coi thường pháp luật và tấn công CSGT là đáng lên án. Nếu CSGT làm không đúng thì người dân có quyền phản ánh chứ không thể hung hãn chống đối… Chúng ta nên khách quan và bảo vệ cái đúng trước, vì tính mạng con người là trên hết.
Rõ ràng ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông không tốt nhưng về phía CSGT liệu có liều lĩnh quá không khi đánh cược tính mạng của mình trước hành động hung hãn của lái xe? CSGT khi nhận ra những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới tính mạng thì cần phải có hướng xử lý tỉnh táo và an toàn hơn?
Việc dừng xe, kiểm tra xử lý phải có quy trình chứ không phải là mang tính mạng ra để đánh cược. Khi dừng xe vi phạm CSGT phải ra hiệu lệnh như thế nào, đứng cách mép đường bao nhiêu…, nhưng một đằng là người ra hiệu lệnh và một đằng là phương tiện, người vi phạm chủ động có hành vi chống đối.
Thượng úy Đạt bị xe tải kéo lê trên Quốc lộ 5 ngày 12/12 |
Quan điểm của tôi là những trường hợp nào gây ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân, gây ra những thiệt hại thì lực lượng phải làm kiên quyết. Còn lại những trường hợp tài xế lái xe bỏ chạy, manh động thì CSGT thực hiện biện pháp ghi lại biển số xe, màu sơn, loại xe, đặc điểm nhận dạng xe… để truy tìm và xử lý.
Không phải ai cũng tinh nhanh để có thể đưa ra được những hướng xử lý tốt nhất trong tình huống có nguy cơ mất an toàn. CSGT cũng có người nhanh, có người chậm, có người nhút nhát, có người dũng cảm… Thành thật mà nói có những người phản xạ chậm thì có khi tài xế lao tới tận nơi vẫn chưa biết để nhảy ra mà cứ nghĩ là họ đang chấp hành hiệu lệnh của mình. Tuy đã được rèn luyện nhưng không phải ai cũng phát huy được tất cả.
Sau những vụ việc đáng tiếc như vừa xảy ra đối với đồng chí CSGT trên Quốc lộ 5, Đại tá có cho rằng lực lượng CSGT cần phải rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình khi thực thi nhiệm vụ?
Tôi cho rằng lực lượng phải rút kinh nghiệm cho chính mình. Thứ nhất, khi thực hiện nhiệm vụ phải làm đúng quy trình, quy định của Bộ Công an. Thứ hai là rút kinh nghiệm về thái độ khi tiếp xúc với nhân dân, vì có thể là thái độ ban đầu chưa tốt hoặc nói năng chưa phù hợp nên dẫn tới những bức xúc… Lực lượng phải giải thích, phải thuyết phục nhân dân.
Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức tập huấn, kiểm tra nhưng không tránh khỏi việc một số cán bộ trẻ nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm, nên không thể tránh khỏi những sơ xuất xảy ra khi thực thi nhiệm vụ. Đây là sự thật và lực lượng phải rút kinh nghiệm.
Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!
Theo Dân Trí