Những cuộc gọi đến, ngay khi nghe câu chào đầu và giới thiệu về người gọi từ công ty bảo hiểm, bất động sản…, nhiều người chọn cách cúp máy ngang để tránh phiền phức, mất thời gian.
Phản tác dụng là điều mà nhiều người từng bị “giội bom tin nhắn”, “khủng bố điện thoại” nhận xét về hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm này.
Bạn đọc Hoàng Hiệp kể lại nỗi bực dọc của mình khi đang chạy xe trên đường mà phải tấp vào lề, nhìn tứ phía xem có ai khả nghi không rồi mới dám bắt điện thoại lên trả lời. Vừa nghe câu chào thì cúp máy luôn, không nghe nữa.
Anh Quốc Bảo (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, dù mình đang có nhu cầu tìm căn hộ chung cư giá rẻ nhưng cứ thấy tin nhắn quảng cáo bất động sản là... xóa ngay, điện thoại từ nhân viên kinh doanh bất động sản anh cũng không nghe vì… quá phiền.
“Họ tự cho mình cái quyền nhắn tin, gọi điện bất kể giờ giấc, đôi khi hội họp hay chạy xe ngoài đường điện thoại cũng rung liên tục. Dù có nhu cầu lắm nhưng cách khủng bố khách hàng như vậy thì chỉ đuổi khách đi thôi”, anh Bảo nói.
Bội thực tin nhắn quảng cáo. |
Một hệ lụy khác của kiểu tiếp thị sản phẩm này chính là “không biết sản phẩm tốt cỡ nào, nhưng nhiều người rất khó chịu và đánh giá thấp những sản phẩm tiếp thị khủng bố qua điện thoại”, một người dân nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, bạn đọc còn đề nghị xử lý cả những người buôn bán thông tin cá nhân vì đó là nguồn cơn để số điện thoại của mình rơi vào tay những công ty kinh doanh.
Một bạn đọc cho TTO biết chị nhận được giấy chứng nhận đăng ký công ty buổi sáng thì buổi chiều đã phải nhận hơn 30 cuộc gọi và tin nhắn mời chào mở website, thuê kế toán.
“Chửi người marketing 1, thì phải chửi đứa bán thông tin 10”, bạn đọc bức xúc.
ThS Nguyễn Phan Anh, giảng viên, chuyên gia marketing, nhận định trước hết phải ghi nhận đó là những nỗ lực của người bán hàng, họ có thể bị ép doanh số, phải chịu áp lực trong khi ngân sách và năng lực hiện tại không cho họ nhiều sự lựa chọn về công cụ để quảng bá sản phẩm và bán hàng.
Rất nhiều trang rao bán thông tin khách hàng. Ảnh chụp màn hình. |
“Về mặt công cụ thì gửi tin nhắn dạng sms, email, facebook messenger, zalo, viber, không có gì xấu nhưng chính cách làm sai lầm của nhiều đơn vị kinh doanh đã gây tác dụng ngược. Việc giội bom tin nhắn, điện thoại này sẽ dẫn đến sự thiếu thiện cảm, sau đó là ác cảm của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cũng rất nhiều người bán hàng đã dùng cách này và trao đổi rằng “cũng có hiệu quả”. Hiệu quả ở đây chính là giả dụ 1 triệu tin nhắn được gửi đi, họ thu về vài trăm phản hồi, trong vài trăm phản hồi có vài hợp đồng được ký kết tức là đã thành công”, ông Phan Anh nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Anh, với cách làm này, tỉ lệ khách hàng phản hồi và tỉ lệ chuyển đổi từ phản hồi thành người mua hàng là rất thấp.
Từ kinh nghiệm của mình, chuyên gia Nguyễn Phan Anh cho rằng các đơn vị kinh doanh và những nhân viên kinh doanh hãy làm sao để khách hàng là người chủ động để lại thông tin liên hệ và đồng ý nhận chia sẻ thông tin của người bán.
Nên tạo sự uy tín cho chính những người bán, để người bán hàng là người tư vấn thực sự của khách hàng, thay vì là người “giội bom” như hiện nay, vừa tốn tiền, vừa lãng phí, vừa làm phiền người dùng và vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, thư rác (spam) là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
Thư rác theo nghị định 90/2008/NĐ-CP bao gồm thư điện tử rác và tin nhắn rác. Điều 6 nghị định nghiêm cấm gửi thư rác.
Như vậy, hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác mà không được sự đồng ý của người nhận là vi phạm quy định của pháp luật.
Mức phạt vi phạm hành chính có thể từ 1 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại nghị định 90/2008/NĐ-CP.
Các nước: Ám ảnh không kém VN
Ở các nước, các tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo không mời mà đến cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người, và tỉ lệ “giội bom” khách hàng của các công ty cũng cao không kém VN.
Tờ Mirror (Anh) cho biết trong năm 2014, có đến 8 tỷ cuộc gọi “không mời mà đến” được thực hiện, chào bán từ bảo hiểm cho đến pin mặt trời.
Còn tại Scotland, cơ quan tiêu chuẩn chất lượng (Trading Standards) nước này đã theo dõi 500 người tiêu dùng trong hai năm rưỡi và nhận thấy trung bình mỗi người “bị nhận” đến 60 cuộc gọi tiếp thị mỗi tháng, theo kết quả công bố hồi tháng 10.
Tại Anh, các công ty “giội bom” cuộc gọi tiếp thị có thể bị phạt đến 500.000 bảng. Trong hơn hai năm qua, Văn phòng ủy viên thông tin (ICO) đã tuyên mức phạt 1,4 triệu bảng với 12 công ty vi phạm, nhưng đến nay mới chỉ có 1/4 trong số này đồng ý nộp phạt.
Tại Dubai, chính quyền mạnh tay với các công ty làm phiền khách hàng qua điện thoại. Theo tờ The National(UAE), cơ quan quản lý đất đai tại Dubai vừa phạt 3 công ty bất động sản hơn 13.600 USD vì liên tục gọi điện cho các chủ căn hộ để thuyết phục họ sử dụng dịch vụ môi giới của mình.
Các nước cũng có các quy định riêng về tiếp thị qua điện thoại mà các doanh nghiệp phải tuân thủ, cũng như các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Mỹ, người dùng có thể đăng ký số điện thoại của mình với dịch vụ “National Do Not Call Registry” (tạm dịch Danh bạ toàn quốc Xin Đừng Gọi) để tránh bị làm phiền bởi các cuộc gọi tiếp thị. Canada cũng có bộ danh bạ này.
Mỹ cũng có các quy chuẩn riêng dành cho công ty muốn bán hàng qua điện thoại, và người tiêu dùng nếu cảm thấy bị làm phiền có thể khởi kiện các doanh nghiệp vì vi phạm các quy định trên.
Người dùng tại Anh có thể đăng ký chặn các số điện thoại “giội bom” tiếp thị với Telephone Preference Service.
Cân nhắc kỹ khi điền thông tin cá nhân vào các phiếu khảo sát là lời khuyên chung tại các quốc gia. Giữ kín số điện thoại của mình là cách tốt nhất có thể để tránh trở thành nạn nhân của “khủng bố qua điện thoại”. Người dùng cũng được khuyên sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi và tin nhắn không mong muốn trên điện thoại của mình để khỏi bị quấy nhiễu.
Theo Zing