Một người đàn ông theo dõi chuyến bay qua màn hình rộng đặt ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters cho biết ASEAN là một trong những thị trường đi lại bằng hàng không phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. Song, ngành công nghiệp này đang bị ảnh hưởng xấu do thường xảy ra những tai nạn hàng không lớn trong những năm gần đây.
Cần quy định nghiêm ngặt hơn cho ngành hàng không
Trước áp lực ngày một tăng về việc cần có một bộ quy định chung chặt chẽ để theo kịp đà phát triển nhanh của ngành hàng không ở Đông Nam Á, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia nhấn mạnh cần những quy định an toàn hàng không nghiêm ngặt hơn để hạn chế những tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra trong khu vực.
Nhà sáng lập AirAsia - Tony Fernandes kêu gọi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng đưa ra quy định chung về hàng không trong khu vực.
“Các quốc gia ASEAN nên hướng đến bộ quy định chung cho hàng không của khu vực vì sự tương đồng, chính quy hóa và vì chất lượng của ngành công nghiệp này” - ông Fernandes nói.
Indonesia là quốc gia có số tai nạn hàng không tương đối nhiều trong những năm qua. Điển hình như vụ máy bay Airbus A320 QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia rơi khiến 162 người thiệt mạng hồi năm 2014.
Mới đây, các nhà điều tra không tìm ra nguyên nhân cụ thể nào gây ra tai nạn nhưng đã liệt kê một yếu tố tổ hợp gây nên thảm họa là do vết nứt mối hàng ở bộ phận điều khiển lái tại đuôi máy bay, cộng với phản ứng sai lầm của phi công đã gây nên chuyện.
Vẫn còn nhiều khác biệt
Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn những bất đồng giữa các nước ASEAN và những khó khăn vẫn đang tồn tại trong việc tiến tới thực hiện các quy định và các tiêu chuẩn an toàn hàng không chung.
Do đó, việc lập một cơ quan giám sát chung cho ngành công nghiệp hàng không ASEAN cần phải mất nhiều năm nữa.
Không giống như châu Âu, ASEAN chưa có một cơ quan quản lý chính thức giám sát an toàn và điều khiển giao thông hàng không mang tính khu vực.
Nguyên nhân chủ yếu là do các quốc gia thành viên ASEAN chưa sẵn sàng bỏ qua các vấn đề chủ quyền của mình để lập một cơ quan có tính chất như trên.
“Do tốc độ phát triển khác nhau ở mỗi nước, tôi cho rằng ASEAN sẽ không thể thành lập một đơn vị như thế trong một sớm một chiều mà họ cần ít nhất 20 năm nữa để hình thành” - Reuters dẫn lời giám đốc văn phòng hàng không dân dụng ở Thái Lan Chula Sukmanop cho biết.
Thiếu sự đồng thuận giữa các nước thành viên đang làm trì hoãn tiến trình, ngay cả khi đang có hơn 600 triệu cư dân ASEAN đang đi lại bằng đường hàng không.
“Malaysia đang sẵn sàng nhưng các nước khác thì chưa” - một quan chức kỳ cựu của Malaysia liên quan đến những cuộc thảo luận về việc thành lập cơ quan giám sát an toàn hàng không trong ASEAN cho biết.
Trái với ý kiến của ông Fernandes, người đứng đầu Hiệp hội Vận chuyển quốc gia Indonesia Arif Wibowo cho rằng an toàn hàng không nên để cho các nhà lãnh đạo quốc gia quyết định.
“Mỗi thanh tra viên nên tăng cường bảo dưỡng máy bay và đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng an toàn. Kế đến, lãnh đạo trong mỗi nước nên kiểm tra tất cả các hãng hàng không theo cách thống nhất. Không cần đưa vấn đề này ra cấp ASEAN” - ông Wibowo nói.
Thêm vào đó, tiến trình đạt tới quy chuẩn chung cho an toàn hàng không ASEAN còn rất xa vời do 10 quốc gia ASEAN vẫn đang phải xoay xở thực hiện sáng kiến “Những bầu trời mở” (Open skies) nhằm tự do hóa các dịch vụ hàng không trong khu vực đến cuối năm 2015.
Hiện nay thị trường hàng không giá rẻ ở ASEAN đang tăng trưởng rất nhanh do các hãng hàng không giá rẻ tại châu Á như AirAsia và Lion Air của Indonesia đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư. Từ đó, kéo theo lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông hàng không cũng đang tăng nhanh. Điều này cho thấy rất cần một hệ thống quản lý chung ngành hàng không của khu vực. Thậm chí, ngay chính trong giới quản lý hàng không cũng đang có những bất đồng về cách chấn chỉnh ngành công nghiệp này. |
Theo Tuổi Trẻ