Sài Gòn giờ đã không còn hiếm những tòa nhà chọc trời cao hàng chục tầng và những trung tâm thương mại hiện đại, lộng lẫy nhưng với người Sài Gòn thì cái tòa nhà cao 4 tầng ở giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi vẫn là cái gì đó rất đỗi thân thuộc.
Nơi đó không chỉ là một trung tâm thương mại, bán lẻ thông thường mà còn là chứng nhân lịch sử đã lưu giữ những kí ức trăm năm qua của thành phố một thời được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Nơi đó không biết từ bao giờ là địa điểm hẹn hò nhau của hàng triệu người Sài Gòn quen biết và chưa từng gặp mặt, đến để cùng vui với nhau niềm vui đêm Giáng sinh và đón mừng năm mới.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) làm chủ đầu tư tại khu đất Thương xá Tax, UBND TPHCM cũng khẳng định do Thương xá này là một trung tâm thương mại dịch vụ bán lẻ lâu đời nhất của TP và việc thực hiện dự án này phải gắn với việc bảo tồn di tích lịch sử, đảm bảo hài hòa kiến trúc – mỹ thuật, đồng thời chiều cao của dự án phải phù hợp với cảnh quan trục đường Nguyễn Huệ.
Theo đó, tổng diện tích khu đất dự án Thương xá Tax mới là hơn 9.200 m2, quy mô tòa nhà dự kiến cao 40 tầng và 5 tầng hầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.089 tỷ đồng (trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm) hoặc 10.024 tỷ đồng (trong trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất).
“Theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ thì dự án Thương xá Tax mới phải chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Nhưng vì SATRA là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trường hợp phải áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường sẽ tạo áp lực về vốn rất lớn đối với công ty, làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm khoảng 41,4% và giảm hiệu quả dự án. Do đó SATRA kiến nghị được thuê đất, trả tiền thuê hàng năm”, văn bản của UBND TPHCM cho biết.
Sau hơn 1 năm khảo sát, vừa qua chủ đầu tư SATRA cũng đã trình phương án bảo tồn thương xá Tax với các cơ quan ban ngành TP.HCM.
Tổng thể tòa nhà mới, tuy là một công trình hoàn toàn hiện đại, đáp ứng tất cả các yêu cầu về thẩm mỹ và công năng của đô thị mới song vẫn hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như UBND TPHCM, khách sạn Rex, Nhà hát Thành phố, và vẫn lưu giữ được phần nào hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC.
Văn bản của SATRA cho biết chủ yếu công việc bảo tồn chính phía trong Thương xá Tax là nhằm gìn giữ các hoa văn bằng gạch mosaic. Việc khảo sát hiện trạng gạch mosaic là công tác đầu tiên của sự chuẩn bị cho quá trình bảo tồn nhằm có những đánh giá đúng về các phương án, cách thức bảo tồn, nhân lực, nguồn kinh phí cũng như các vấn đề có liên quan khác để chọn lựa các phương án bảo tồn tối ưu.
Công tác bảo tồn gạch mosaic được tiến hành qua ba giai đoạn gồm khảo sát sơ bộ và xây dựng các phương án bảo tồn; chọn phương án tối ưu và tiến hành thử nghiệm; khảo sát sâu đối tượng bảo tồn.
Các chi tiết lan can cầu thang và lầu 1 như tay vịn, lá nguyệt quế, chữ đồng, lá đồng, con gà, quả châu cùng khung sườn lan can… sẽ được phục chế và chế tác. Sau đó sẽ được đóng gói, đánh ký hiệu, lưu kho chờ đến thời điểm lắp đặt, phục dựng trong kết cấu mới tương thích.
Mọi dữ liệu bảo tồn sẽ được thu thập trong suốt quá trình bảo tồn dưới dạng bản vẽ, bản ảnh và nhật ký…
Mong rằng với những ưu đãi về đất đai mà chủ đầu tư được thừa hưởng, SATRA sẽ xây dựng một trung tâm thương mại văn phòng khách sạn hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được cho Sài Gòn những nét cổ kính của một Thương xá Tax đã có gần trăm năm tuổi đời.
Thương xá Tax được khởi công xây dựng vào năm 1922 và khánh thành vào ngày 26/11/1924 mang tên Grands Magasins Charner (GMC) với công năng là trung tâm thương mại, thuộc sở hữu của công ty Société Coloniale des Grands Magasins – SCGM được thành lập vào năm 1921 từ công ty mẹ L'Union Commerciale Indochinoise et Africaine (LUCIA). Ban đầu tòa nhà chỉ có 3 tầng với hai lối vào ở đường Nguyễn Huệ và góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngày nay, nền nhà ngay các lối vào có trang trí hoa văn bằng gạch mosaic, đối diện lối ra vào đường Nguyễn Huệ là cầu thang chính và nóc nhà phía trên lối ra vào ở góc đường có một mái vòm đồng hồ. Sau năm 1934, biển hiệu GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. Năm 1942 tòa nhà được cải tạo, xây dựng thêm tầng 4, mái vòm bị dỡ. Đầu những năm 1960, GMC được đổi thành Thương xá Tax. Sau năm 1975 toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TP.HCM. Từ năm 1978 là cửa hàng phục vụ thiếu nhi của thành phố. Năm 1981 đổi tên thành Cửa hàng bách hóa Tổng hợp thành phố thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp. Năm 1997 là công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và từ năm 1998 đổi lại là Thương xá Tax. |
Theo Tri Thức Trẻ