Ảnh minh họa |
Mặc dù chỉ là buổi góp ý cho Báo cáo “Tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp” của World Bank nhưng Hội thảo cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp có phần rất thẳng của các chuyên gia về cách làm nông nghiệp hiện nay tại Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Dung, người dân đang phải chấp nhận sử dụng các sản phẩm nông nghiệp mà chất lượng ngày càng đi xuống.
Vì vậy, để lên được chính sách, kế hoạch phát triển tốt cho nông nghiệp, ông cho rằng đầu tiên cần xác định đích đến của sản phẩm đó chính là dành con người, nông nghiệp phải phục vụ con người chứ không chỉ làm ra để cung ứng một cách ồ ạt.
Ông nhận định nông nghiệp Việt Nam đang bị hủy hoại từ việc nguồn gene bị triệt tiêu, thậm chí cạn kiệt dần trong tất cả các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong khi các gene tốt không được bảo vệ thì các giống mới của nước ngoài lại liên tục được nhập về và sử dụng tràn lan. Chính việc buông lỏng quản lý đầu vào khiến các sản phẩm đầu ra càng khó quản lý và hỗn tạp.
“Không ai muốn ăn con gà chỉ 2 tháng là lớn, loại rau chỉ vài ngày là thu hoạch, nhưng khi các giống tốt dần bị triệt tiêu và thay thế, người dân phải ăn một cách cưỡng bức”, ông bức xúc nêu ý kiến.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho rằng, nông nghiệp Việt Nam trước nay vẫn chỉ tập trung vào số lượng mà không mấy quan tâm đến chất lượng. Dù đã đổi mới gần 30 năm nhưng tư duy làm nông nghiệp vẫn chưa có nhiều biến chuyển.
Điều này khiến cơ hội cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập là rất khó khăn khi hầu như các sản phẩm không có thương hiệu. “Chúng ta cứ cho rằng gạo Việt Nam xuất khẩu nhất nhì thế giới, café Việt Nam xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng lại không có thương hiệu nào mang tầm thế giới, thua ngay cả Cambodia”, ông Doanh chia sẻ.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Doanh cho rằng với tình hình như hiện nay, không ai muốn đầu tư vào nông nghiệp, “Nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, hoặc một số lĩnh vực khác chứ không dại gì mà đầu tư vào nông nghiệp”.
Lý do được ông đưa ra là doanh nghiệp rất khó tìm được quỹ đất từ 100 - 1.000ha. Nếu tìm được, họ phải chi trả ít nhất 2 lần tiền, tiền cho nông dân và tiền thuế, thì mới có đất. Còn nếu đầu tư vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp chỉ trả tiền một lần mà lại có cơ sở hạ tầng thuận tiện.
Thêm nữa rủi ro trong nông nghiệp lớn mà tỷ lệ sinh lời lại thấp, ngay cả bảo hiểm cũng từ chối bảo hiểm nông nghiệp, điều này càng khiến nhà đầu tư kém mặn mà trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy, để nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải làm.
Theo Báo Đầu Tư