UBND TP.HCM phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết nghèo đa chiều và cải thiện cung cấp dịch vụ vào ngày 15-12 tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu khẳng định chương trình giảm nghèo ở TP (nay là Chương trình Giảm nghèo bền vững) là một chương trình kinh tế - xã hội tổng hợp, không chỉ giải quyết vấn đề an sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.
“Tuy TP đã đạt được những thành tựu trong giảm nghèo nhưng chúng tôi đánh giá đây chỉ là bước đầu bởi giảm nghèo chưa thật bền vững, vẫn còn một bộ phận người dân đang đối mặt với nhiều thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản như giáo dục, bảo hiểm, nhà ở, nước sạch... Trong giai đoạn 2016-2020, TP sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường đa chiều” - bà Thu nói.
Cụ thể hơn về phương pháp trên, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết từ năm 2009, TP phối hợp với UNDP đã khảo sát, đánh giá nghèo đa chiều thí điểm tại 4 quận, huyện. “Kết quả cho thấy một bộ phận người dân không nghèo thu nhập nhưng dễ bị tổn thương, dễ rơi vào nghèo đói hoặc tái nghèo” - ông Xê thông tin.
Theo ông Xê, nguyên nhân của nhiều thiếu hụt trên không hẳn là do thiếu tiền. Gần 30% trẻ không đi học là do không quan tâm việc học, trong khi thiếu tiền chỉ chiếm hơn 18%. Hay có gần 40% người dân không quan tâm đến BHYT. Từ đó, ông Xê kết luận phương pháp đo lường nghèo dựa trên thu nhập đã bỏ sót đối tượng đang thiếu hụt các điều kiện sống cơ bản nên chính sách chưa toàn diện và giảm nghèo chưa bền vững.
Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, TP sẽ sử dụng cùng lúc chiều nghèo thu nhập và 5 chiều nghèo phi thu nhập để xác định hộ nghèo, cận nghèo. Năm chiều nghèo phi thu nhập gồm: giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và BHXH; điều kiện sống; tiếp cận thông tin.
Từ cách xác định trên, ông Xê cho biết chương trình giảm nghèo bền vững của TP sẽ mang tính bao trùm hơn, bảo đảm công bằng xã hội. “Thông tin minh bạch và chi tiết hơn về điều kiện sống, nhu cầu hỗ trợ sẽ là căn cứ cho hoạch định chính sách và phân bố ngân sách hiệu quả từ cấp cơ sở. Ở mỗi nhóm đối tượng sẽ can thiệp chính sách khác nhau, khắc phục hiện tượng cào bằng; có giải pháp toàn diện, đánh vào những nguyên nhân cốt lõi của thiếu hụt chứ không chỉ là tiền; không nhất thiết làm gia tăng ngân sách mà vận dụng sáng tạo, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, đoàn thể và khu vực tư nhân” - ông Xê nhấn mạnh.
Thang điểm xác định hộ nghèo Trong 5 chiều xã hội, có 11 chỉ số với tổng điểm là 100. Cụ thể: bằng cấp cao nhất của người lớn (10 điểm), tình trạng đi học của trẻ em (10 điểm), trình độ nghề (10 điểm), tiếp cận dịch vụ y tế (10 điểm), BHYT (10 điểm), việc làm (10 điểm), BHXH (10 điểm), nhà ở (10 điểm), nguồn nước sinh hoạt (10 điểm), sử dụng dịch vụ viễn thông (5 điểm), tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (5 điểm). Hộ nghèo của TP được xác định là có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm và có tổng điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo xã hội từ 40 trở lên, hộ cận nghèo là thu nhập từ trên 21 đến 28 triệu đồng/người/năm và có tổng điểm thiếu hụt dưới 40. |