Tân Hoa xã không nêu rõ tên nhà hàng tại thành phố Trương Gia Cảng (tỉnh Giang Tô), nhưng một hóa đơn thanh toán có kèm mức phí 1 Nhân dân tệ cho “không khí sạch” đã xuất hiện trên mạng xã hội. Hóa đơn là của nhà hàng Jing Yue Hui nằm trong một trung tâm mua sắm.
Một nhân viên tại Jing Yue Hui khẳng định, nhà hàng từng thu phí làm sạch không khí, nhưng đã gỡ bỏ khoản này. Cô này cũng nói rằng, họ có 9 máy lọc không khí.
Người dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Getty |
Việc một nhà hàng thu phí "lọc không khí" dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng không khí sạch là quyền cơ bản của con người. Đó không phải là hàng hóa. Tuy nhiên, một số người phản đối vì họ cho rằng nhà hàng đã phải bỏ thêm tiền để lắp đặt máy làm sạch không khí, do đó họ được hưởng phí từ dịch vụ đó.
“Trả thêm một nhân dân tệ để hít thở bầu không khí sạch trong bữa ăn là ý kiến hay”, New York Times dẫn ý kiến của một trong những người bảo vệ hành động của nhà hàng cho hay.
Một bài viết trên trang web của chính quyền thành phố Trương Gia Cảng khẳng định, khoản phí như vậy là không hợp lý. Tuy nhiên, sự việc cho thấy một cách tiếp cận khác với thực trạng ô nhiễm hiện nay ở Trung Quốc. “Chính những người gây nên tình trạng ô nhiễm không khí cần phải trả phí cho dịch vụ này”, bài viết nêu rõ.
Một lời bình luận trên tờ Beijing Times ngày 15/12 cho rằng, phí làm sạch không khí của nhà hàng ở Trương Gia Cảng là lời nhắc nhở cho người dân Trung Quốc rằng: “Nếu chúng ta không giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, sớm muộn, chúng ta sẽ phải trả giá”.
Một số ý kiến khác cho rằng, Jing Yue Hui chỉ đang tìm cách tăng doanh thu. “Đơn giản, nhà hàng đang kiếm chác từ khủng hoảng quốc gia”, một tài khoản trên mạng xã hội Weibo khẳng định, đồng thời nhấn mạnh nhà hàng “nên chịu trừng phạt nặng”.
Màn hình chất lượng không khí ở thành phố Trương Gia Cảng hôm 15/12 cho thấy nồng độ bụi PM 2.5 ở mức 265-268 mg/m3, cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Zing