Trong một báo cáo mới đây, S&P cho biết rằng cách đây 4 năm, kinh tế Việt vẫn còn đang chật vật khi các khoản nợ xấu tăng vọt do chính phủ tập trung bơm tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng từ đó tới nay, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đủ lớn để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh, mặc dù sức cầu vẫn còn yếu và giá hàng hóa toàn cầu giảm.
S&P cho biết xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước của Việt Nam - chủ yếu là của các doanh nghiệp nhà nước – cũng chỉ tương đương tốc độ của các nước khác tại Châu Á.
Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng thiết bị điện tử và điện thoại di động của các doanh nghiệp FDI đang trở thành những "ngôi sao sáng” nhờ việc Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã đầu tư vào các nhà máy mới tại Việt Nam, và đặc biệt là khi hãng điện tử Samsung gần đây đã nhanh chóng đẩy mạnh các khoản đầu tư ở Việt Nam.
Xuất khẩu các mặt hàng điện tử đã tăng trưởng với tốc độ gần 33%/năm trong 3 năm qua, với thị phần của ngành này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 18% lên 29% trong quãng thời gian đó.
Xuất khẩu dệt may và da giày vẫn ổn định, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn chung, FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2012-2014 đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi nước đóng góp khoảng 22%, Singapore gần 16%, Trung Quốc và Hồng Kông gần 13%, và Đài Loan 7,5%.
S&P cho rằng do Trung Quốc đang chuyển dịch lên trên trong chuỗi giá trị, nên "ngành chế biến chế tạo tại Châu Á cần phải tìm một cơ sở mới", và Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ xu hướng này.
Theo S&P, với quy mô dân số 91 triệu người, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ là một yếu tố quan trọng khi việc trang bị cho công nhân kỹ năng, máy móc và máy tính sẽ giúp thúc đẩy năng suất.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo dân số trong độ tuổi lao của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến năm 2030, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc lại đang bắt đầu giảm. Indonesia và Philippin cũng đang được hưởng lợi từ việc lực lượng lao động đang tăng lên.
Mức lương danh nghĩa của một công nhân tại Việt Nam và Indonesia hiện vào khoảng hơn 2.800 USD/năm – bằng với mức tại Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ, còn mức lương trung bình tại Trung Quốc hiện nay là khoảng 11.200 USD/năm.
So với các đối thủ cạnh tranh có mức lương thấp, S&P cho rằng Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ thái độ tương đối cởi mở đối với các doanh nghiệp FDI.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với thách thức của việc đồng USD tăng giá và lãi suất tăng do cơ chế tỷ giá cố định và dự trữ ngoại hối thấp (ở mức 31 tỷ USD vào tháng 9).
Cơ quan phân tích kinh doanh IMA Asia có trụ sở tại Singapore đánh giá Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua việc các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu, qua việc các doanh nghiệp nhà nước phải nâng khả năng cạnh tranh do phải đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu, và cuối cùng là qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số ngành.
Trước khi TPP được thông qua, thương mại 2 chiều giữa Australia và Việt Nam đã tăng vọt 35% trong năm 2014, đạt 8 tỷ USD, dù đầu tư mới chỉ đạt mức khiêm tốn 1,2 tỷ USD.
Theo IMA, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,2% trong năm nay và 6,4% trong năm 2016.
Trước đó, các hãng định mức tín nhiệm khác cũng đánh giá cao tác động tích cực của Hiệp định TPP đối với Việt Nam. Hãng Fitch cho rằng TPP có thể thúc đẩy mạnh tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, còn hãng Moody’s cho rằng TPP là yếu tố thúc đẩy đặc biệt mạnh đối với xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Người đồng hành