Chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng (Quốc lộ 5), một doanh nghiệp vận tải cho biết, mặc dù giá xăng dầu đã liên tiếp giảm trong thời gian qua, song việc các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước theo yêu cầu của Bộ Tài chính là rất khó.
Xăng giảm được vài đồng, phí lại tăng gấp đôi
Vị này tính toán, chẳng hạn giá xăng dầu giảm khoảng 500 đồng/lít, trong khi mỗi chuyến Hà Nội – Hải Phòng doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn khoảng 70 – 80 lít/chuyến. Nên mức giảm giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 18/12) cũng không “thấm vào đâu” khi mỗi chuyến, doanh nghiệp chỉ “tiết kiệm” được khoảng vài chục nghìn đồng.
Trong khi đó, mức tăng phí đường bộ mới cho mỗi lượt đi từ Hà Nội – Hải Phòng khiến doanh nghiệp “choáng váng”. Cụ thể, với mỗi lượt đi tại tuyến đường này, các xe vận tải hàng hóa của doanh nghiệp trên phải mất tới 160.000 đồng, thay vì 80.000 đồng trước đây. Đồng nghĩa, doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí gấp đôi so với trước đây trên mỗi chặng đi.
Điều nghịch lý được doanh nghiệp chỉ ra là, tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng và sửa chữa bằng tiền ngân sách. Các doanh nghiệp đã đóng phí bảo trì đường bộ trên từng đầu xe, tức là số tiền ấy phải dùng để nâng cấp, sửa chữa các tuyến dường có nguồn vốn ngân sách, nên việc tăng thêm phí là bất hợp lý.
“Chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm, nên nếu sửa chữa tuyến đường này thì đã có phí bảo trì đường bộ. Do đó, yêu cầu tăng thêm phí là không chính đáng, rất bất hợp lý, khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh được. Hiện nay giá cước chúng tôi tính là 200 nghìn đồng/tấn, nếu tăng phí gấp đôi thì phải giá cước vận tải phải tăng thêm khoảng 6.000 đồng” – vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.
Cũng theo vị này, với mức giảm của giá xăng dầu giảm trong nhiều kỳ trước đó, doanh nghiệp cũng đã có điều chỉnh giảm giá cước. Trong khi đợt điều chỉnh vừa rồi, giá xăng dầu chỉ giảm ở mức nhỏ giọt, trong khi phí đường bộ lại tăng lên nên rất có thể sẽ tăng giá cước trong thời gian tới chứ không thể giảm theo xu hướng giảm của giá xăng dầu.
Những phản ứng của doanh nghiệp có lẽ đang “đi ngược” chỉ đạo của Bộ Tài chính đưa ra ngày 21/12 là yêu cầu giảm giá cước vận tải. Theo Bộ này, từ giữa tháng 9/2015 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục có xu hướng giảm, nên trong bối cảnh khoảng 3 tháng tới, dự báo nhu cầu vận tải đi lại sẽ tăng vọt, vì thế Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý giá cước.
Vẫn chưa có đơn vị nào giảm giá cước
Ngày 21/12, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay và giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước so với lần kê khai trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu. Đáng chú ý là nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí là có thể bị rút giấy phép hoạt động.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với ngày 1/7/2015, giá xăng tính đến thời điểm ngày 18/12 đã giảm 20,8%, giúp giá thành xe chạy xăng giảm từ 5,2% - 7,3%, tùy mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Tương tự, giá dầu diesel 0,05S cùng thời điểm này giảm 25,5%, giúp xe chạy dầu giảm 8,9% - 11,5% chi phí giá thành.
Thế nhưng, xác nhận với chúng tôi, cho đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị vận tải nào giảm giá cước, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam còn khẳng định thêm rằng: giá cước vận tải cần để cho chính thị trường tự điều chỉnh. Có nghĩa, doanh nghiệp sẽ tự xem xét và tính toán cơ cấu giá cho phù hợp với thị trường để đưa ra mức giá phù hợp.
“Nếu doanh nghiệp chây ì giảm giá cước thì chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp tăng giá mà không phù hợp thì cũng sẽ bị cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Việc giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại các chi phí khác chứ không phải chỉ riêng chi phí vận tải” – ông Thanh nói.
Theo Tri Thức Trẻ