Sân bay Nước Mặn mà cho người nước ngoài xây nhà cao tầng thì coi như... bỏ đi!

Thứ ba, 29/12/2015, 08:05
“Tuyến ven biển Đà Nẵng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nếu quản lý được Đà Nẵng thì quản lý được cả miền Trung, mà quản được miền Trung thì quản lý được cả đất nước”, Đại tá Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 nói.

Liên quan đến việc người Trung Quốc “giấu mặt” mua đất ven biển tại Đà Nẵng, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Lành - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 - đơn vị tiếp quản tuyến ven biển Đà Nẵng (trong đó có sân bay Nước Mặn) từ năm 1975 (năm 1995, sân bay Nước Mặn giao cho Hải quân quản lý).

Đại tá Lành cho biết, nếu thực sự có việc người Trung Quốc “giấu mặt” mua đất ven biển Đà Nẵng (chủ yếu là khu vực gần sân bay Nước Mặn) thì đó là tình trạng rất đáng lo ngại.

Theo Đại tá Nguyễn Lành, tuyến ven biển Đà Nẵng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, không thể tùy tiện cho mua bán, làm kinh tế.

Theo Đại tá Lành, năm 1993, Thượng tướng Đào Đình Luyện – Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói với ông rằng: “Khu đất này rất quan trọng, không được giao làm kinh tế, chỉ giao cho quốc phòng quản lý thôi”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của khu vực này.

Đất nước mình còn nghèo nhưng không phải vì thế mà bất chấp để cho làm kinh tế. Làm gì thì làm nhưng việc đầu tiên là phải nghĩ đến an ninh, quốc phòng - Đại tá Lành nêu quan điểm.

Không phải ngẫu nhiên mà cả Pháp và Mỹ khi đánh chiếm miền Nam đều chọn Đà Nẵng để mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược. Muốn chia cắt miền Trung và đất nước thì chắc chắn quân địch sẽ chọn đánh chiếm tuyến ven biển rồi tấn công lên đường bộ.

“Khi chiếm được tuyến ven biển thì dần dần sẽ chiếm 3 đỉnh núi Sơn Trà, Hải Vân và Phước Tường. Mà chiếm được 3 đỉnh núi này thì quản lý được Đà Nẵng. Quản lý được Đà Nẵng là quản lý được miền Trung, mà quản lý được miền Trung thì quản lý được cả đất nước”, Đại tá Nguyễn Lành quan ngại.

Cũng theo Đại tá, thường người nước ngoài họ chỉ mua chung cư, biệt thự để ở chứ không ai mua đất rồi xây nhà cả. Và những lô đất này toàn nằm ở vị trí có chiến lược quan trọng.

“Mình bán đất cho họ, họ quản cả bờ biển, rồi nó đào sâu xuống làm đường hầm chui ra biển, ai mà biết được”, Đại tá lo lắng.

Chia sẻ quan điểm về việc cửa hàng cao su thiên nhiên H.A chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc, “cấm cửa” khách Việt, đặc biệt showroom này lại đặt gần một cơ sở của quân đội, Đại tá Lành cho rằng, với một cơ sở kinh doanh trên đất nước Việt Nam nhưng người Việt không vào được thì phải cấm tuyệt đối, không cho hoạt động, thu hồi giấy phép luôn.

Cũng theo Đại tá Lành, khu vực gần sân bay Nước Mặn mà để cho xây nhà cao tầng thì coi như... bỏ đi. Bởi từ các nhà cao tầng có thể quan sát mọi hoạt động của sân bay. Việc xây dựng các khách sạn, tòa nhà cao tầng rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến pháo phòng không và việc tác chiến tên lửa.

Trước đây, toàn tuyến dọc bờ biển đều không có dân ở. Bây giờ một số nhà cao tầng đã xây rồi, dừng lại thì khó. Nhưng những lô đất chưa xây không được cho ghép thửa, mỗi lô chỉ được xây một nhà và không được xây quá 3 tầng. Đó là biện pháp "chữa cháy" của Đà Nẵng bây giờ.

Về việc trên địa bàn TP.Đà Nẵng thời gian gần đây xảy ra nhiều sự việc liên quan đến người Trung Quốc, Đại tá Lành cho rằng cần phải xử lý hài hòa, không để gây căng thẳng nhưng phải làm quyết liệt, triệt để.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích