Lương thưởng công nhân nghèo

Thứ năm, 14/01/2016, 11:28
Bàn luận về ý kiến “Đưa tiền thưởng Tết vào lương”, nhiều người lao động cho rằng họ vẫn cần tiền thưởng cuối năm cho chi dùng dịp Tết vì nếu đưa vào lương tháng họ sẽ không để dành được.
Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chưa nghe nói về tiền thưởng, chị Hồng (quê Nghệ An) công nhân may da giày, gần Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn phải tìm mua hàng giá rẻ để sắm Tết cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Kim Xuân (công nhân may tại Q.12, TP.HCM):

Chờ thưởng tết 
để về quê

Tôi ở Quảng Nam, năm nay về Tết vé xe hai lượt đã gần 3 triệu đồng, tiền thưởng Tết cũng chỉ đủ tiền xe, nhưng nếu không có thì về quê cũng không về được, nói gì ăn Tết?

Làm công nhân như chúng tôi, lương tháng nào tiêu hết tháng đó vì thường chỉ khoảng 3-4 triệu đồng, cộng thêm tăng ca được khoảng 5-6 triệu đồng là tối đa. Nhiều em công nhân trong chuyền của tôi vừa lãnh lương hôm trước, mấy hôm sau đã than hết tiền.

Thưởng Tết đâu có nhiều, chia ra mỗi tháng có thêm 200.000-300.000 đồng thì tiêu cũng hết, đâu có gom lại mà để dành đến cuối năm được. Vậy nên thưởng Tết một tháng lương cơ bản chẳng bao nhiêu nhưng công nhân cần lắm. Tiền thưởng Tết chủ yếu sẽ được dùng để mua vé xe về quê, mua sắm quần áo, bánh kẹo cho con cái, biếu ít quà cho cha mẹ.

Công nhân đâu có nghĩ đến chuyện được thưởng Tết nhiều người đổ ra mua sắm thì giá cả tăng. Điều chúng tôi chờ mong chỉ là có được tiền thưởng Tết, chứ nhiều công ty vin vào lý do khó khăn cuối năm chỉ thưởng cho công nhân vài trăm ngàn thì chúng tôi thiệt thòi lắm.

Chị Trần Thị Kim Thanh (phụ trách marketing phòng khám chăm sóc da và laser SIAN TP.HCM):

Thu nhập khá 
cũng thích thưởng Tết

Tôi nghĩ không nên chia đều khoản tiền thưởng Tết vào lương hằng tháng. Lấy ví dụ lương tháng 10 triệu đồng, Tết được thưởng 40 triệu đồng thì nếu chia đều ra trả vào lương thì mỗi tháng lương cũng chỉ hơn 13 triệu đồng. Số tiền này chắc gì hằng tháng người đi làm đã tiết kiệm được 3 triệu đồng để dành tiêu Tết?

Trong khi đó, nếu nhận được khoản tiền thưởng Tết 40 triệu đồng thì không chỉ có thể sắm sửa một vật dụng giá trị cho bản thân hoặc gia đình, thực hiện những kế hoạch vui chơi, du lịch dịp Tết thoải mái hơn mà còn khiến người ta hài lòng với nơi đang làm việc, tự hào vì công ty đãi ngộ tốt, danh tiếng công ty cũng tốt hơn.

Tôi cũng có một số người bạn làm ở công ty nước ngoài không có chính sách trả lương tháng 13. Nhưng cần phải thấy rõ là kế hoạch tài chính của người nước ngoài khá rõ ràng và ngay cả việc tính lương của các công ty này cũng khá rõ ràng về những khoản chi cần thiết của nhân viên họ để bản thân nhân viên cũng có kế hoạch tài chính cho các khoản chi tiêu như sinh hoạt phí, du lịch, để dành...

Ông Ngô Đức Hòa (chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi):

Nhận thưởng cuối năm để tiện mua sắm

Tại công ty tôi, phần đông người lao động muốn nhận tiền thưởng cuối năm vì họ cần tiền để mua sắm thức ăn ngon, áo quần đẹp, chi phí để thăm viếng họ hàng, gia đình vào đầu năm mới. Đây là một tập quán lâu đời.

Món tiền thưởng cuối năm chính là cách công ty khích lệ, động viên tinh thần người lao động. Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ có vài chục lao động, người lao động thậm chí hằng tháng chỉ nhận một phần lương, phần còn lại để cuối năm nhận một lần nhằm tiện việc mua sắm, 
để dành.

Với công ty, việc thưởng cuối năm cũng hợp lý vì đến cuối năm công ty mới tính toán được hiệu quả kinh doanh, tính toán được quỹ lương và quyết định mức tiền thưởng cho người lao động.

Nếu trả thưởng vào thu nhập hằng tháng, khi chưa tính được hiệu quả kinh doanh thì dựa vào đâu để trả thưởng? Nếu trả ít hơn quỹ lương cả năm, cuối năm cũng phải thưởng thêm thì không vấn đề gì, nếu trả thưởng vào thu nhập hằng tháng nhiều hơn quỹ lương thì lấy đâu bù vô?

Đại diện ban tổng giám đốc Công ty phát triển Phú Mỹ Hưng:

Thưởng hằng tháng sẽ động viên kịp thời

Công ty Phú Mỹ Hưng có gần 900 nhân viên, hiện chúng tôi không thưởng Tết nhiều. Người lao động được trả lương tháng 13 theo quy định vào sau Tết Dương lịch và thưởng theo xếp loại lao động năm với mức tối đa một tháng lương trước Tết Âm lịch.

Để khuyến khích người lao động, công ty thực hiện chế độ thưởng hằng tháng dựa trên hiệu quả làm việc, doanh thu trong tháng, mức thưởng cao nhất hằng tháng cho một nhân viên có thể bằng một tháng lương của nhân viên đó.

Theo quan điểm của công ty, thưởng là động lực cụ thể, trích từ doanh thu hằng tháng của công ty. Cách thưởng này vừa kịp thời động viên được tinh thần làm việc của người lao động, vừa là cách để người lao động tự đánh giá hiệu quả công việc của mình để có phương pháp khắc phục nhược điểm, phát huy những ưu điểm nhằm làm cho công việc tốt hơn.

Nếu như để cả năm mới xét hiệu quả công việc đôi khi sẽ dẫn đến việc không công bằng, đánh giá theo cảm tính bởi hiệu quả công việc của người lao động có tháng thấp, tháng cao. Hơn nữa, qua thời gian dài thì người lao động khó rút ra được những bài học kinh nghiệm sát thực tế trong quá trình làm việc.

Cách đánh giá rồi gộp thưởng cả năm không kịp thời động viên người lao động tốt, sửa sai và rút kinh nghiệm đối với những trường hợp trễ nải, kém hiệu quả.

Công ty vẫn duy trì trả lương tháng 13 vào dịp cuối năm và thưởng xếp loại thi đua vào trước Tết Âm lịch với số tiền không nhiều. Những ngày Tết, nhu cầu chi tiêu của bất kỳ người nào cũng cao hơn so với bình thường: đi du lịch, về quê thăm gia đình, mua sắm, sửa sang nhà cửa.

Thêm một khoản tiền nhỏ để người lao động chi tiêu trong những ngày này cũng là cách hay.

Theo TTO

Các tin cũ hơn