Vùng đất xây sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai |
Chính quyền tỉnh đã khảo sát và thống kê có 5.000 hộ dân trong vùng phải di dời cho dự án sân bay Long Thành, đồng thời đang lên phương án bồi thường, tái định cư, đào tạo nghề cho người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nói tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội ngày 13-1-2016.
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhiệm vụ của tỉnh là chuẩn bị tốt mặt bằng, bố trí tái định cư, hỗ trợ việc làm, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành.
Trước mắt, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, phân loại toàn bộ các loại đất trong vùng dự án từ đất ở, đất nông nghiệp, các công trình tôn giáo, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hiện tỉnh đã thống kê được gần 5.000 hộ dân, phân loại từng ngành nghề của các hộ dân đang sinh sống, thu nhập và thăm dò, lấy ý kiến của toàn bộ người dân trong vùng dự án để định hướng đào tạo nghề cho từng hộ dân.
Trong phương án bồi thường cũng tính đến các chính sách bố trí việc làm, đào tạo nghề bởi chính quyền tỉnh đặt mục tiêu sau khi đến khu tái định cư có chỗ ở mới, người dân cần ổn định cuộc sống của họ. Tỉnh đã làm việc với các trường dạy nghề ở tỉnh, tại các khu công nghiệp, hỏi ý kiến người dân muốn làm nghề gì để có hướng đào tạo.
Tỉnh dự kiến sẽ đầu tư hai khu tái định cư và đến nay qua thăm dò 100% người dân ủng hộ tỉnh làm dự án tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Xung quanh các khu tái định cư này có rất nhiều khu công nghiệp có thể cung cấp nhiều việc làm thuận lợi cho người dân như khu công nghiệp Long Đức, Amata, các khu công nghiệp Nhơn Trạch…
“Trước mắt, sẽ đào tạo ngắn hạn cho người dân làm việc tại các khu công nghiệp địa phương, về dài hạn sẽ đào tạo để người dân có thể làm việc ngay trong các công trình sân bay Long Thành, đặc biệt tỉnh nhắm đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác thì sẽ cần những loại lao động gì để ngay từ bây giờ, phối hợp với ngành hàng không ưu tiên hướng nghiệp cho những người dân trong vùng dự án đi học để cung cấp nguồn nhân lực khi sân bay đi vào khai thác”, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói tại cuộc họp báo.
Theo ông Vĩnh, hiện nay tỉnh đang bắt tay xây dựng khung chính sách bồi thường. Do đây là dự án lớn, tầm quốc gia nên khung chính sách bồi thường sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với tỉnh soạn thảo, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua ngày 25-6-2015 với tỷ lệ tán thành 86,64% trên tổng số 93,32% đại biểu tham gia biểu quyết.
Theo đó, Long Thành được xác định là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050.
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ đô la Mỹ, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ đô la Mỹ).
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và thêm một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của dự án là 5.000 héc ta, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 héc ta; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 héc ta; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 héc ta.
Theo TB KTSG