Trong bài viết vừa đăng trên tạp chí Diplomat (Nhật Bản), tác giả Victor Robert Lee, cây viết chuyên về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, trong giai đoạn Bắc Kinh đẩy nhanh việc xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, ngư dân Đàm Môn đã tận thu loài sò khổng lồ trên quy mô công nghiệp. Những ngư dân này đi hơn 1.000km từ cảng Đàm Môn đến các bãi cạn, rạn san hô ở Trường Sa để khai thác loài sò khổng lồ có vỏ dài tới hơn 1m, nặng hơn 200kg, sống hơn 100 năm.
Vỏ sò được chế tác thành nhiều đồ vật giá trị. Đồ trang sức làm từ vỏ sò được cho là mang lại sức khỏe cho người dùng. Ở Trung Quốc, vỏ sò khổng lồ quý không kém gì ngà voi, đá quý, ngọc trai, vây cá mập. Những sản phẩm làm từ vỏ sò khổng lồ rất khó làm giả vì có nhiều lớp hoa văn độc đáo có thể quan sát rõ dưới kính hiển vi. Một cặp sò chất lượng cao có thể được bán với giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng).
Dù sò khổng lồ đang bị đe dọa và luật quốc tế cũng như luật Trung Quốc cấm buôn bán loài vật này, ngư dân Trung Quốc vẫn chặt phá các rạn san hô để săn lùng chúng, thậm chí với sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung Quốc và trên các bãi san hô mà Hải quân Trung Quốc đang chiếm đóng.
Nhiều nhà bình luận từng lên án hoạt động này, cho rằng ngư dân Đàm Môn đang khai thác sò khổng lồ ở Biển Đông nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Điều này có lý vì hoạt động cải tạo trái phép đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thành đảo nhân tạo rồi xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó trong năm 2014 và 2015 tiếp nối ngay sau khi hàng loạt tàu cá đến đó như thể ngư dân Trung Quốc đã được bật đèn xanh để khai thác loài sò quý hiếm này trước khi các rạn san hô bị chôn vĩnh viễn dưới hàng triệu tấn cát.
Vì thế, những hoạt động này không chỉ tàn phá môi trường mà còn cho thấy khu vực nào sắp bị Trung Quốc xây dựng trái phép. Trong khi đó, chưa có ảnh vệ tinh nào cho thấy ngư dân Việt Nam hay Philippines dùng cách chặt phá san hô như ngư dân Đàm Môn để khai thác hải sản, tác giả Victor viết.
Được chính quyềnkhuyến khích
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC cho biết, ông đã quan sát ngư dân Đàm Môn đánh bắt sò khổng lồ trên một rạn san hô chỉ cách đảo Thị Tứ chưa đầy 1 dặm. Những ảnh vệ tinh sắp xếp theo trình tự thời gian cho thấy các rạn san hô ở đảo Thị Tứ bị chặt phá trong năm 2013 và 2014, tạo nên một vết sẹo khổng lồ vào cuối năm 2015. Một ảnh vệ tinh khác cho thấy một khu vực rộng 1,36km2 bị tàn phá. Quy mô tàn phá tương tự tại hơn chục rạn san hô khác cho thấy một diện tích san hô rất lớn đã bị Trung Quốc chôn vùi ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
Ảnh cận cảnh cho thấy các rạn san hô ở đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa bị chặt phá để khai thác sò khổng lồ trước khi Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. |
Sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc giới thiệu hai chục website bán các loại sản phẩm từ vỏ sò khổng lồ được làm ở Đàm Môn, từ vòng tay, vòng cổ, đến cặp vỏ sò nguyên vẹn hay tác phẩm chạm trổ cầu kỳ có giá lên đến 38.000 nhân dân tệ (khoảng 130 triệu đồng). Danh sách của Alibaba còn ghi rõ những sản phẩm này được làm từ những con sò khổng lồ khai thác từ bãi cạn Scarborough. Một công ty trưng ảnh 4 ngư dân Đàm Môn đứng trên bến tàu, cạnh một đống sò khổng lồ, và chú thích rằng họ đã trở về an toàn sau khi bị lực lượng chức năng Philippines truy đuổi khi khai thác ở bãi Scarborough (trước khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát khu vực này).
Giới quan sát ghi nhận, khoảng 3 năm trước, chính quyền Trung Quốc khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác sò khổng lồ ở Đàm Môn, cho dù đây là hoạt động bất hợp pháp, nhằm phát triển kinh tế của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc tự tuyên bố trên biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về hoạt động khai thác sò khổng lồ. Nhưng các công ty ở Đàm Môn đã tích trữ được không ít vỏ sò để kinh doanh.
Chủ một xưởng chế tác vỏ sò ở Đàm Môn nói rằng, giá các sản phẩm từ vỏ sò khổng lồ tăng vọt năm 2012, đạt đỉnh năm 2013 và nửa đầu 2014, nhưng nay đã giảm 10 lần. Nhưng nguyên nhân là do chiến dịch chống tham nhũng. “Trước đây, có người mua vài sản phẩm vỏ sò khồng lồ cùng lúc để làm quà cho quan chức, nhưng nay nếu họ mua cũng không quan chức nào dám nhận”.
Philippines muốn Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez, hôm 14/1 kêu gọi Mỹ tuần tra chung trên Biển Đông, sau khi Tòa án tối cao Philippines tuyên bố duy trì thỏa thuận an ninh 10 năm nhằm mở cửa cho Mỹ đưa thêm binh sĩ và phương tiện quân sự đến nước này. “Cần tăng cường sự hiện diện phối hợp ở Biển Đông. Vì thế, ngoài những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, chúng tôi đề xuất chúng ta tuần tra cùng nhau”, AP dẫn lời ông Galvez nói với báo giới. Nhưng ông Galvez không nói cụ thể hoạt động tuần tra chung sẽ được tiến hành ở khu vực nào. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ và Philippines vừa kết thúc cuộc họp tại Washington để thảo luận về hợp tác an ninh. Bộ Quốc phòng Philippines thông báo, cuộc họp đã kết thúc với việc “phía Mỹ nhắc lại cam kết chắc chắn về việc bảo vệ Philippines”. “Phía Mỹ nhấn mạnh sẽ không để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông và sẽ hành động để bảo đảm tự do hàng hải được tôn trọng”, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định. |
Theo Tiền Phong