Chiều nay, Bộ Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã ký kết hợp đồng "Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị” do tiến sĩ Nguyễn Bá Hải làm chủ nhiệm.
Đại diện Bộ Khoa học, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật và tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (người ngồi bên phải) ký kết hợp đồng nghiên cứu hoàn thiện thiết kế chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị. |
Đây được xem là kết quả bước đầu thực hiện đơn đặt hàng đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp gỡ các nhà khoa học trẻ vào tháng 9/2015. Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ Khoa học và Trung ương Đoàn cùng tiến sĩ Hải bàn bạc và bắt tay vào thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm 1.000 kính trong một năm, kinh phí do Chính phủ hỗ trợ.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Triết, thư ký đề tài cho biết, tổng kinh phí cho giai đoạn thử nghiệm là trên 5,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, bao gồm việc nghiên cứu đánh giá thực trạng và phân tích các yêu cầu, góp ý từ người dùng nhằm hoàn thiện sản phẩm; hoàn thiện quy trình chế tạo, sản xuất thử nghiệm 1.000 kính điện tử đầu tiên theo các tiêu chuẩn kỹ thuật mới.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết, nhóm sẽ tập trung vào nghiên cứu kính điện tử tránh vật cản cho người khiếm thị dưới tên gọi là "Mắt thần 2EX".
"Mắt thần 2EX" sẽ giữ nguyên các tính năng tốt đã có trước đây của "Mắt Thần 2" như: tần số rung tỷ lệ nghịch với khoảng cách từ xa tới gần bởi người dùng, có cơ chế báo pin, loại cảm biến hồng ngoại.
Bên cạnh đó, nhóm sẽ cải thiện nhiều tính năng cho "Mắt thần 2EX" như sử dụng công nghệ 2 cảm biến nhằm tăng khả năng thị trường nhận biết vật cản cũng như hiệu quả sử dụng; khả năng điều chỉnh cường độ rung; khả năng hiệu chỉnh khoảng cách tùy chiều cao và tốc độ di chuyển người dùng; hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng.
"Hy vọng sau 1 năm triển khai đề tài này, người khiếm thị sẽ đón nhận một phiên bản mới cải tiến hiệu quả hơn đối với người sử dụng", tiến sĩ Hải nói.
1.000 'mắt thần' sẽ được trao tặng tới người khiếm thị hoàn toàn không thấy gì (hoặc chỉ còn phân biệt được sáng tối), có nhu cầu đi lại (đi bộ) 500 mét/ngày trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thuộc đối tượng ưu tiên đặc biệt.
Theo VNE