Tính đến sáng 21/1, đã có 163.260 người thích (like) status này. Số lượt chia sẻ trên Facebook lên tới hơn 90.546 lượt.
Nội dung status này như sau: “Câu chuyện này của bạn tôi, khi cô ấy đưa con về thăm ông bà ngoại, và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Nhưng ngay tại sân bay Nội Bài, hai mẹ con đã bị vòi "tiền uống nước" từ cán bộ cửa khẩu nếu muốn lấy visa nhập cảnh nhanh hơn. Vì không đưa "tiền uống nước" cho cán bộ Việt Nam như các hành khách khôn ngoan khác, nên cô bé 2 tuổi rưỡi đã xếp hàng chờ cùng mẹ để lấy visa.
Bức ảnh cô bé bị sốt nằm gục trên vali quần áo chờ đợi làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. |
Mẹ xin lỗi con!
Sau những phút bịn rịn chia tay bố ở phi trường CDG Paris, con theo mẹ lên máy bay của hãng hàng không VNA về sân bay Nội Bài, Hà Nội. Con sốt cao từ hai hôm trước nên con khá mệt trên chuyến bay dài.
Rồi máy bay cũng hạ cánh, theo chân mẹ con đi lấy hành lý và đến cửa khẩu nhập cảnh. Vì con chỉ có hộ chiếu Pháp, nên bố đã đặt làm giấy tờ cho con trên mạng Internet, lấy visa ngay tại cửa khẩu Nội Bài.
Ở đó, hai mẹ con gặp một chú công an hải quan cửa khẩu, họ nói rằng "Xin cháu mấy chục đồng để uống nước" thì sẽ được cấp visa ngay, còn không thì xin mời xếp hàng đợi (chục đồng ở đây là đồng euro hoặc dollar).
Mẹ bảo họ mẹ không có tiền mặt ở đây, cháu mới hai tuổi rưỡi làm gì có tiền mà chú xin cháu tiền uống nước và thế là hai mẹ con vào hàng đợi làm thủ tục. Còn những người chấp nhận bỏ vài chục đồng cho họ uống nước thì được giải quyết ngay và luôn cho dù không hề có luật nào như thế.
Con mệt và ngơ ngác, con muốn đi vệ sinh nhưng con vẫn xếp hàng, con không hiểu tại sao hai mẹ con phải đợi.
Mẹ xin lỗi con gái, mẹ vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tay cho những người tham lam kia.
Vì thế dù vài chục euro là một số tiền không quá lớn, nhưng mẹ đã để con phải đợi cùng mẹ.
Con gái thân yêu, đây là đất nước của mẹ và quê hương của con đấy. Mẹ rất xấu hổ nhưng đúng là thế.
Một đất nước mà đồng tiền đã vận hành đến tận xương tủy.
Một nơi mà con người nhìn nhau chỉ thấy tiền bạc và lợi ích thô bỉ.
Ở quê cha con được chào đón bằng những nụ cười thân thiện, bằng những ưu đãi dành riêng cho trẻ nhỏ.
Ở quê mẹ con bị chặn đứng bằng "chục đồng uống nước" trắng trợn.
May mắn là con rất ngoan, con mệt nhưng con không khóc lóc, con nằm dựa vào hai chiếc vali kiên nhẫn chờ tới lượt.
Hai chiếc vali chứa rất nhiều quần áo cũ hai mẹ con đã xắp xếp hôm trước để mang về gửi tặng các bạn nghèo vùng cao.
Mẹ xin lỗi con!
Một vài lời gửi các anh chị cán bộ nhập cảnh ở sân bay Nội Bài:
Các anh chị thân mến.
Các anh chị chỉ biết nhìn vào bữa ăn hôm nay mà không nghĩ đến tương lai của xã hội cho con cái các anh chị ngày mai.
Thái độ và sự vòi vĩnh của các anh chị chính là một phần của một lượng lớn khách du lịch không muốn quay trở lại Việt Nam. Một thiệt hại không thể đo đếm được ngay lập tức.
Chúng tôi là những người con của đất nước này, chúng tôi về chơi vì đó là quê hương, là gia đình, là bạn bè thân thương.
Còn khách du lịch, họ đến, họ mang công việc, mang lợi nhuận đến cho các anh chị, thế giới này rộng lớn và đẹp vô cùng, họ có tiền, họ có rất nhiều lựa chọn.
Không Việt Nam thì sẽ là Thái Lan, Lào, Campuchia, ở đâu chào đón thì họ sẽ tới nhiều hơn.
Còn khi bị đối xử tệ, họ sẽ cười khẩy, chấm cho cái cần câu cơm của các anh chị 1 sao và nhờ sự lan truyền trên Internet, nó sẽ thành lời cảnh báo chân thực nhất làm nản lòng những ai có ý định du lịch Việt Nam.
Chắc các anh chị đều biết sử dụng Facebook, hãy vào "Noi Bai International Airport" và nhờ ai đó biết tiếng Anh dịch hộ những đánh giá 1*.
Đây là một ví dụ:
"Janet Chan — 1 star
Bribery happens at this airport. The customs are definitely greedy and always ask for money! Uncivilized!" Janet Chan — đánh giá 1*: Hiện tượng nhận hối lộ ở sân bay. Hải quan quá tham lam và luôn xin tiền! Thiếu văn minh!"
Hãy nhìn sang những nước láng giềng và tự hỏi tại sao họ phát triển hơn chúng ta?
Vì những người cán bộ nhà nước của họ khôn ngoan hơn các anh chị, họ biết rằng "vài chục đồng xin xỏ" ngày hôm nay có thể làm họ rủng rỉnh vài tuần nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai họ và cả con cháu họ.
Vì những người cán bộ nhà nước của họ biết xấu hổ, nhục nhã, không tham lam vô liêm sỉ”.
Theo Dân Việt