Ảnh: The Age. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ: Có lẽ rất ít ai biết rằng, vào đầu thế kỷ thứ 19, vào năm 1820, Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như về quy mô kinh tế.
Khi ấy, nền kinh tế Việt Nam lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.
Còn theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (Uỷ ban của Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương), vào năm 1954 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 117 USD trong khi của Thái Lan vào năm 1952 là 108 USD, Indonesia là 88 USD (trích cuốn Biến động Kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam của tác giả Trần Văn Thọ).
Nhìn lại chỉ số GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với một số nước trong khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi lại từ giai đoạn 1980 đến nay, chỉ số này của Việt Nam đã đôi lần vượt được Philippines, Indonesia; và ngấp nghé Thái Lan.
Theo dữ liệu của IMF, trong 2 năm 1984 và 1987, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt được Philippines, Indonesia; và ngấp nghé Thái Lan. |
Qua thời gian, những kỳ vọng về Việt Nam vẫn liên tục được dấy lên.
Theo lời kể của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 1995, Việt Nam tham gia ASEAN và trở thành thành viên thứ 7. Cũng tháng 7 năm đó, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việt Nam cũng lần đầu tiên ký được hiệp định khung về hợp tác kinh tế với EU...
Năm 2006, khi Việt Nam tham gia WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), các nước ASEAN và một số nước khác rất kỳ vọng với WTO, Việt Nam sẽ vượt lên và gia nhập ASEAN 6. Việt Nam có khả năng vượt lên Philippines, Brunei (với thu nhập đầu người khi ấy rất cao).
“Việt Nam sẽ trở thành nước thứ 5 trong ASEAN và trong tương lai Việt Nam có thể nằm trong Top 3. Họ kỳ vọng: Nếu ASEAN cần đầu tàu thì không nước nào làm nổi, nhưng 3 nền kinh tế hợp tác với nhau để dẫn dắt thì ASEAN sẽ có cơ hội phát triển rất nhiều”, bà Lan nói.
Ảnh: Shutterstock. |
Sau 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam nhìn thì dường như là hội nhập, nhưng khoảng cách với các nước khác lại xa ra.
Hiện nay, tính theo số liệu 2014, GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ ở mức 2.052 USD/người/năm, chưa bằng được 1/5 mức thu nhập trung bình của thế giới (12.000 USD/người/năm), và chỉ bằng hơn 1/3 GDP bình quân đầu người của Thái Lan.
“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vì trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước”, Bộ trưởng Vinh nói.
“Nhưng, chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản… đưa đất nước mình từ những nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành các quốc gia có nền kinh tế phát triển”.
Giờ thì không còn nhiều lợi thế
Ông Vinh cho rằng, đây là thời điểm mà yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết, vì 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của thời kỳ dân số vàng. Theo tính toán, đến năm 2025 Việt Nam sẽ hết cơ hội có được cơ cấu dân số vàng. Như vậy, chúng ta chỉ còn tối đa 10 năm, thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.
Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.
Thứ ba, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
“Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, Bộ trưởng Vinh cảnh báo.
Theo Tri Thức Trẻ