Ngày 1-2, hàng loạt chợ hoa Tết trên địa bàn TP.HCM đã khai mạc. Tại đây hàng trăm loài hoa từ Đà Lạt, Cái Mơn (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp)… đã thi nhau khoe sắc. Hoa đào từ huyện Đông Hưng (Thái Bình), Gia Lộc (Hải Dương), Hà Nội cũng đã kịp có mặt tại chợ hoa.
Điều đặc biệt là năm nay hoa nội đánh bật hoa ngoại, chiếm lĩnh thị trường.
Đào mừng, mai lo
Bất ngờ trong ngày đầu khai mạc chợ hoa là nhiều loài hoa, kiểng Tết miền Tây và Đà Lạt chưa có nhiều người mua, trong khi các gian hàng hoa đào đã bán rất chạy.
Chưa hết nửa buổi sáng, ông Hồng (quê Đông Hưng, Thái Bình) khoe đã bán được gần 20 gốc đào Tết. Ông Hồng đã bán đào Tết tại Công viên Lê Văn Tám từ hơn 10 năm nay.
“Mỗi gốc đào từ Thái Bình vào đây có giá 1,5-2 triệu đồng, gốc lâu năm giá 4-5 triệu đồng. Đa số khách hàng mấy hôm nay đều mua đào giá 1,5-2 triệu đồng” - ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, ở miền Bắc thời tiết lạnh hơn mọi năm nên đào nở muộn và nở rất ít. Nhưng khi đưa vào TP.HCM gặp thời tiết nắng nóng, đào sẽ nở kịp ngày Tết và nở đều, đẹp hơn.
Trong khi đó, theo các nhà vườn ở miền Tây, năm nay do nắng nóng khiến các vườn mai nở sớm chiếm khoảng 70%-80%. Mai nở sớm nên bán không được giá. Chị Thúy từ làng hoa nổi tiếng Chợ Lách, Bến Tre chở mai bonsai lên TP.HCM bán, mới ngày trước mai đang búp vậy mà qua một đêm cả trăm chậu đã nở bung hoa gần hết.
“Giá một chậu mai chưa nở, không phải loại đẹp bán ở Công viên Gia Định 500.000-700.000 đồng/chậu thì chậu mai của tôi chỉ còn bán được khoảng 350.000-400.000 đồng/chậu. Thôi đành chịu, hy vọng các gốc mai cổ thụ giá trị 20-60 triệu đồng hoa sẽ nở kịp Tết. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển những gốc mai này đã chiếm tới 70% giá bán, vì vậy lợi nhuận không nhiều” - chị chia sẻ.
Thị trường hoa Tết tại Sài Gòn đã nhộn nhịp với hàng trăm loài hoa đủ sắc màu. |
Khách thích bonsai mận, khế, ớt
Bên cạnh những loại hoa phổ biến ngày Tết như cúc vàng, cúc mâm xôi, vạn thọ… thì những loài cây ăn quả như khế, mận, ớt cũng được nhiều người thích thú mua về chưng Tết.
Những chậu ớt với đủ màu sắc đỏ, trắng, vàng, tím giá rất bình dân 30.000-40.000 đồng/chậu. Những gốc mận, khế tạo kiểng dạng bonsai giá khá cao, như chậu khế bonsai giá 350.000-400.000 đồng, sung bonsai giá tới 3 triệu đồng, bonsai hoa dâm bụt được tạo thế lạ, đẹp giá lên tới 4 triệu đồng.
Đáng chú ý, bên cạnh những sản phẩm tạo hình truyền thống như rồng, phượng, nai…, năm nay xuất hiện những chậu quất tạo hình khỉ với giá khoảng 7 triệu đồng mỗi cặp.
Hoa Việt đánh bật hoa ngoại
Thời điểm này tại những khu vực bán hoa trên đường Thành Thái, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi… rất nhiều loài hoa cắt cành và hoa chậu như lan, cúc, mai, đào, ly ly cũng đã khoe sắc.
Giữa một rừng hoa, lan hồ điệp và địa lan nổi bật hơn cả. Giá các loài hoa cũng rất đa dạng, nhiều cung bậc như lan hồ điệp dao động 180.000-300.000 đồng/cành, địa lan 130.000-180.000 đồng/cành. Lan hồ điệp trồng sẵn trong chậu sứ giá 1-2 triệu đồng/chậu.
Theo khảo sát của chúng tôi, bên cạnh hoa nội thì hiện nay còn có hoa được nhập từ nhiều nước. Chẳng hạn hoa địa lan nhập từ Hàn Quốc, hoa lan nhập từ Thái Lan và hoa hồng, địa lan, cẩm chướng nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng nhận định mùa Tết năm nay hoa trong nước chiếm lĩnh thị trường, do chất lượng, màu sắc và giá cạnh tranh tốt với hoa ngoại nhập cùng chủng loại.
Thêm nữa, hoa ngoại khi vận chuyển về Việt Nam nhiệt độ thay đổi đột ngột, chi phí vận chuyển cao, tỉ lệ hao hụt lớn… nên giá bán cao, màu sắc không còn đẹp và thời gian chưng không lâu. Ví dụ hoa mokara nhập từ Thái Lan trông không đẹp bằng giống hoa cùng loại trồng ở Củ Chi, TP.HCM.
Cùng chung nhận định, ông Phan Thanh Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho hay riêng đối với hoa cắt cành truyền thống thì hàng Việt chiếm 80% thị phần. Ông Sang dẫn chứng: “Lan hồ điệp Trung Quốc chỉ bán được vào các tỉnh miền Trung và khu vực phía Bắc, không thể chen chân tại thị trường miền Nam do không cạnh tranh nổi. Hơn nữa, hoa sản xuất tại Đà Lạt, TP.HCM và các tỉnh miền Tây năm nay có chất lượng khá cao, đáp ứng được nhu cầu khách hàng”
|
Theo PL TP.HCM