Tàu Trung Quốc tăng đột biến quanh bãi ngầm Ba Kè

Thứ ba, 02/02/2016, 14:27
Gần Tết Bính Thân 2016, nhiều tàu Trung Quốc neo đậu tại khu vực thềm lục địa phía Nam nước ta, đặc biệt là khu vực bãi ngầm Ba Kè (Bà Rịa - Vũng Tàu), khiến lực lượng của ta phải xua đuổi nhiều lần…  
Neo đậu lâu ngày
Những ngày cuối tháng 1.2016, chúng tôi có mặt tại nhà giàn DK1/21, đứng chân ở phía Nam bãi Ba Kè, thuộc khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, nằm dưới sự quản lý hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hai tàu cá Trung Quốc neo sát ngay ở khu vực nhà giàn DK1/21
Đứng trên nóc nhà giàn DK1/21, nhìn bằng mắt thường, chúng tôi thấy rõ 5 chiếc tàu cá mang số hiệu Trung Quốc đang chạy vòng với tốc độ cao. Những chiếc tàu này thuộc dạng tàu bọc sắt, mũi vát nhọn, trên boong có nhiều giàn đèn và nhất là 2 bên mạn, đều nhô ra giàn cào khổng lồ như những bộ xương.
Quan sát kỹ bằng ống nhòm chuyên dụng, chúng tôi không thấy lưới đánh cá trên boong như những tàu đánh cá thông thường, thay vào đó là một số vật thể giống xuồng cao tốc, được che chắn bằng bạt màu xám.
Ngư dân Nguyễn Văn Hiền (ở Tuy Hòa, Phú Yên) trên nhà giàn DK1/21
Cận cảnh 1 tàu đánh cá của Trung Quốc đang neo đậu ở bãi Ba Kè
Ở nhà giàn 1/20 và nhà giàn 1/9 cũng đứng chân ở bãi Ba Kè, chúng tôi dùng máy ảnh ghi lại hoạt động của tốp 4 chiếc tàu cá Trung Quốc đang co cụm gần nhau. Sau gần 1 tiếng đồng hồ “tập hợp”, những chiếc tàu này chạy cặp đôi theo 2 hướng Nam - Bắc với tốc độ chậm, giống như thăm dò luồng lạch, độ sâu của vành đai bãi đá ngầm.
Chỉ huy tốp 4 chiếc tàu Trung Quốc là tàu Quế Bắc Ngư 39168. Số hiệu này là của tàu cá thuộc thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Bắc Hải có cảng biển nằm bên bờ phía Bắc của Vịnh Bắc bộ.
Tuy nhiên, 1 sĩ quan trên tàu 621 khẳng định: “Đây là tàu cá giả dạng để trinh sát, thăm dò!”.
Cũng tại nhà giàn DK1/21, tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Hiền, thủy thủ tàu PY-96896.TS (ở Tuy Hòa, Phú Yên) vào đóng dấu chứng nhận hoạt động đánh bắt thủy sản.
“Tàu cá gì mà chẳng khi nào thấy buông lưới. Các xuồng câu thì chạy tốc độ rất nhanh, như xuồng cao tốc và người đi câu, hình như chỉ dùng dây để đo độ sâu”, ngư dân Nguyễn Văn Hiền thắc mắc.
Anh Hiền nói thêm: “Đánh cá mà giống như đi sục sạo, thám thính. Khi tàu chúng tôi lại gần sát, họ còn quát tháo xua đuổi!”.
Áp sát nhà giàn
Tiếp cận với các ngư dân tàu QNg-96446.TS, chúng tôi được nghe kể: Trước tháng 12.2014, ở khu vực thềm lục địa phía Nam cũng liên tục xuất hiện đủ các loại tàu Trung Quốc, từ tàu đánh cá cho đến nghiên cứu khảo sát, tàu hộ vệ tên lửa. Trong năm 2015, số lượng các tàu Trung Quốc đi ngang, tìm đến neo đậu tại bãi Ba Kè tăng đột biến và xuất hiện thêm cả các tàu trinh sát, tàu thăm dò, giàn khoan dầu khí hạng nhỏ.
Đặc biệt từ tháng 12.2015 đến nay, mặc dù khu vực thềm lục địa phía Nam liên tục có sóng to gió lớn, nhưng số lượng tàu cá Trung Quốc neo đậu lâu ngày ở khu vực bãi Bà Kè luôn duy trì ở mức kỷ lục: 12 - 15 chiếc và hầu hết các tàu này không thực hiện hành động đánh bắt, mà chỉ có động tác giống như thăm dò luồng lạch, độ sâu và khiêu khích…
Tàu Trung Quốc rập rình phía xa các nhà giàn bãi Ba Kè và được bộ đội theo dõi chặt chẽ bằng ống nhòm chuyên dụng TZK
Thuyền trưởng tàu QNg.96446.TS Dương Minh Thuấn (ở Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Ban ngày, các tàu Trung Quốc di chuyển qua nhiều vị trí. Ban đêm, họ co cụm lại gần nhau và đồng loạt bật hết các loại đèn trên tàu, nhìn từ xa như thành phố nổi. Nếu tàu ngư dân Việt Nam lại gần, các tàu Trung Quốc sẽ dùng hệ thống thông tin quát đuổi.
Thậm chí, khi các tàu lại quá gần, tàu Trung Quốc lao thẳng đến, sẵn sàng đâm va”. Thuyền trưởng Thuấn lắc đầu: “Các tàu này có khi tiến sát các nhà giàn, nơi có bộ đội Hải quân chốt giữ ở khoảng cách 2 - 3 hải lý. Nhiều đêm, tàu Trung Quốc còn vào sát nhà giàn, tắt đèn neo đậu, mặc cho bộ đội dùng loa phóng thanh, chiếu đèn pha cảnh cáo, xua đuổi. Do nhà giàn không có phương tiện tàu thuyền, nên tàu Trung Quốc chỉ chạy ra xa khi có tàu trực Hải quân hoặc tàu Kiểm ngư tăng cường đến đẩy đuổi, ép các tàu này ra phía ngoài xa…".
Tàu QNg-96446.TS đang hoạt động tại khu vực bãi cạn Ba Kè
Sở dĩ, các thuyền viên tàu QNg-96446.TS rành mạch tình hình, bởi con tàu này có thâm niên đánh bắt ngoài vùng biển Hoàng Sa và liên tục đối mặt với các tàu Hải cảnh, Hải giám Trung Quốc.
Các thuyền viên tàu QNg-96446.TS còn cho biết, mới đây nhất, ngày 17.8.2015, khi đang đánh bắt thủy sản tại Hoàng Sa, họ bị tàu Hải cảnh 46102 của Trung Quốc truy đuổi, đâm bẹp thành tàu và lính Trung Quốc nhảy sang cướp phá dầu nhớt, thiết bị liên lạc, đánh bắt…
Tàu cá Trung Quốc, nhìn từ phía sau
Đối mặt với tàu Trung Quốc
Buổi sáng ngày 22.1.2016, tàu 621 chở chúng tôi từ bãi Ba Kè về lại khu vực Quế Đường. Cách bãi Ba Kè khoảng 14 hải lý (25km) về phía Tây (sau bãi Ba Kè, về phía đất liền là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), máy tàu chợt gầm lên và các thủy thủ tàu rầm rập chạy ra 2 bên mạn, sẵn sàng trong các vị trí. Chúng tôi vội chạy lên buồng lái và thấy trước mặt là cả đội hình tàu cá Trung Quốc gồm 4 chiếc đang neo đậu ở khu vực bãi cạn Vũng Mây, thuộc khu vực Ba Kè.
Thấy tàu Việt Nam, những người trên tàu Trung Quốc rút hết vào trong khoang, đóng sập cửa, để lại boong tàu trống hoác, không có bất cứ 1 ngư lưới cụ nào, như những tàu đánh cá thông thường. Thứ duy nhất có liên quan đến hoạt động đánh bắt là dàn đèn điện 4 tầng với gần 200 bóng đèn và hệ thống dây kéo, ròng rọc chằng chịt nằm dọc tàu, được cố định bởi 2 khung thép cao vài chục mét ở đầu và cuối tàu. Các tàu này đều hướng mũi vào đất liền Việt Nam…
Dàn đèn trên tàu cá Quế Bắc Ngư 39168 của Trung Quốc
Chỉ huy tốp 4 chiếc tàu Trung Quốc là tàu Quế Bắc Ngư 39168. Số hiệu này của tàu cá thuộc thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Hai tàu Kiểm ngư Việt Nam (màu trắng) đang kiên trì xua đuổi 2 tàu cá Trung Quốc có trọng tải lớn gấp 3-4 lần, trên vùng biển Ba Kè, chiều 20.1
Trước đó, ngày 20.1, chúng tôi chứng kiến 2 tàu KN-838 và KN-215 của Chi đội Kiểm ngư 2 – Cục Kiểm ngư Việt Nam vượt sóng gió ra đẩy đuổi tốp 2 chiếc tàu cá Trung Quốc có ý định áp sát nhà giàn DK1/21. Sau nhiều tiếng đồng hồ vây ép, phát tín hiệu cảnh cáo và kiên nhẫn xua đuổi, các tàu Kiểm ngư Việt Nam có trọng tải bằng 1/3 tàu Trung Quốc đã buộc các tàu Trung Quốc phải chạy ra phía xa, ra khỏi khu vực thềm lục địa phía Nam.
Một sĩ quan của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đi trên tàu 621 cho biết, bình thường, các tàu Trung Quốc cậy đông nên lì lợm bỏ qua mọi sự cảnh cáo, xua đuổi của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Hôm nay, ngoài tàu trực, có thêm tàu Kiểm ngư và tàu 621, nên họ mới đành chạy ra xa như vậy.
Các tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và Chi đội Kiểm ngư 2, Cục Kiểm ngư Việt Nam cùng phối hợp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc
Trong suốt chuyến công tác, chúng tôi nhiều lần nghe đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nhấn mạnh khi làm việc với cán bộ chiến sĩ các nhà giàn, tàu trực: “Phía Trung Quốc có ý định hạ đặt giàn khoan, đóng quân xen kẽ với ta trên một số khu vực bãi cạn thềm lục địa phía Nam. Phải nâng cao cảnh giác, không để họ hạ đặt bất cứ thứ gì trên vùng biển của ta”.
Đại tá Thư cũng cho biết, các nhà giàn đang đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và trong khi đất liền đang bình yên đón Tết thì bộ đội Tiểu đoàn DK1 cùng các tàu trực đang căng mình giữ từng sải nước, quyết tâm không để phía Trung Quốc hạ đặt giàn và neo đậu tàu thuyền ở thềm lục địa phía Nam.
Càng những ngày gần Tết Bính Thân 2016, bộ đội các nhà giàn - tàu trực trên thềm lục địa phía Nam càng phải tăng cường canh gác, trực chiến bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa

Bãi ngầm Ba Kè gồm các Bãi Vũng Mây, Bãi Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh, các vị trí này nằm trên cùng một khu vực bãi ngầm có độ sâu dưới mặt nước trong khoảng từ 3,2-100m; bãi ngầm nằm theo hướng Bắc Đông Bắc - Tây Tây Nam, cách bãi Quế Đường 74 hải lý về phía Đông. Chiều dài khoảng 50km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 24km.

Điểm bãi ngầm Ba Kè có độ sâu 3,2 dưới mặt nước, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 579km về phía Đông Nam. Ba Kè là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên sử dựng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của ta. Hoạt động của họ tập trung nhiều vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9 tháng 10, thời kỳ sóng yên, biển lặng.

Theo Thanh niên

Các tin cũ hơn