Khi hành khách bị bắt làm 'con tin'

Thứ tư, 03/02/2016, 09:18
Cùng với thu theo giá niêm yết, nhà xe phải phát vé cho khách; quản lý bến có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và không cho xe xuất bến nếu vi phạm.

Quy định là vậy, nhưng tại nhiều bến xe Hà Nội, các quy định này đang bị bỏ lơ, khiến hành khách bị nhà xe biến thành con tin trên đường.

Hào Hương là nhà xe xuất bến Giáp Bát chạy về tuyến Thanh Hóa với mật độ dày, tuy nhiên mấy ngày qua, nhiều hành khách đi trên các xe khách của nhà xe này phản ánh, họ bị nhà xe thu giá cao và nhồi nhét.

Sáng 2/2, PV Tiền Phong ra bến xe Giáp Bát ghi nhận hoạt động của hãng xe Hào Hương. Ngay tại quầy bán vé bảng niêm yết giá vé bị tẩy xóa, không thể đọc được.

Trong khi đang hỏi nhân viên giá vé, một người đàn ông từ phía sau lên tiếng, “anh cứ ra xe đi, nhà xe bán vé tại đó”. 9h, chúng tôi lên xe khách của hãng vận tải Hào Hương.

Xe của nhà xe Hào Hương, khi xuất bến khách ngồi cả ra sàn, không vé nhưng không gặp bất kỳ sự kiểm tra nào.

Thời điểm chúng tôi lên xe, trên xe có khoảng 40 người và các ghế giường nằm kín chỗ. Nhà xe không phát vé và bảo chúng tôi ngồi ra sàn. Đến 9h30, xe xuất bến, ra đến đường Giải Phóng nhà xe bắt đầu thu tiền của khách.

Sau khi phụ xe nói thu 130.000 đồng/lượt, nhiều người đã phản ứng vì bình thường chỉ thu 90.000 đồng. Tuy nhiên phụ xe vẫn thu tiền và không đưa vé. Và chiếc xe không gặp bất kỳ sự kiểm tra nào.

Đại diện công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, do giá nhiên liệu liên tục giảm thời gian qua nên hầu hết giá vận tải tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội được giữ ổn định dịp Tết. Thậm chí, đại diện công ty này còn cho biết, gần Tết, công ty còn nhận được danh sách hơn 60 tuyến xe khách của 40 DN vận tải đang hoạt động tại các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội thông báo giảm từ 5 đến 15% giá cước.

Với hãng xe Hào Hương tại bến Giáp Bát, đại diện công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, hiện nhà xe đang có giá niêm yết báo cáo lên là 100.000 đến 110.000 đồng/lượt chạy về Thanh Hóa. Như vậy với mức thu 130.000 đồng/hành khách như ngày hôm qua, có nghĩa nhà xe này đã tự tăng từ 20 đến 30% giá vé so với giá niêm yết.

“Cò” chỉ đạo bán vé tại bến

Khi vừa bước chân vào cổng bến Giáp Bát, chúng tôi đã bị nhiều “cò” xe chào mời, lôi kéo. Sau một hồi lôi kéo không thành, “cò” vẫn theo chúng tôi đi đến quầy bán vé.

Với nhu cầu muốn đi về Nam Định và Thái Bình, chúng tôi đến phòng vé của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội - hãng xe đang bị nhiều hành khách phản ánh về giá cả.

Rất nhiều hành khách lên xe Hào Hương sáng qua bị thu giá cao và không vé.

Tại quầy bán vé của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội có hai 2 điểm bán vé về Nam Định, Thái Bình với giá 55.000 đồng và 75.000 đồng/lượt. Sau khi hỏi vé đi Nam Định, nữ nhân viên xé vé và báo đúng giá niêm yết.

Chúng tôi vừa cầm vé, bất ngờ một người lạ chạy tới hỏi vé mua bao nhiêu. Chưa kịp trả lời, người này giật vé của chúng tôi và ném trả nhân viên bán vé. Người này quát với nhân viên phòng vé: “Lễ Tết, giá đi Nam Định là 60.000 đồng/lượt, không có thì trả vé”.

Trong khi một số hành khách khác bất bình về thái độ của “người lạ”, thì nhân viên phòng vé lại dịu giọng: “Anh phải nói trước chứ”. Nữ nhân viên thu lại vé đã đưa cho chúng tôi và bán vé mới với giá 60.000 đồng/lượt. Nhiều hành khách khác không muốn cự cãi phải chấp nhận mức giá mới.

Không cho tăng, nhà xe xin thêm hành khách

Tại Bến xe Mỹ Đình hôm qua, chúng tôi lên chiếc xe khách chạy tuyến Thái Nguyên. Do lượng khách ban đầu còn ít, chiếc xe liên tục rẽ vào đón khách tại bất cứ điểm nào có khách chờ. Nhiều lúc do lưu lượng xe lưu thông trên đường lớn, nhà xe đi chậm tới mức gần như dừng hẳn để mở cửa đón khách.

Khi trên xe đã đủ khách, lái xe mới tăng tốc đi nhanh, còn phụ xe thu tiền vé. Hôm qua, xe khách đã thu của mỗi hành khách 60.000 đồng/lượt. Thấy vậy, một hành khách thắc mắc: “Sao mọi ngày đi 50.000 đồng/ lượt, hôm nay lại tăng lên 60.000 đồng?”.

Phụ xe liền giải thích: “Ngày Tết, mong các bác thông cảm cho nhà xe “xin” thêm 10 nghìn đồng chứ không phải nhà xe tăng giá trong dịp Tết. Có muốn tăng cũng không được bến cho tăng. Nếu bác nào không cho thì thôi cũng được”.

Một hành khách khác tiếp lời: “Nếu không ai biết giá hàng ngày thì các ông thản nhiên thu tăng 10.000 đồng à?”, phụ xe im lặng và tất cả hành khách trên xe được nhà xe thu tiền nhưng không có vé.

Cũng trong buổi sáng hôm qua, một nhóm PV khác lên xe Đức Phúc chạy bến Mỹ Đình - Cẩm Phả - Cửa Ông (Quảng Ninh). Ngoài cảnh vớt khách trên đường, lên chuyến xe này chúng tôi còn được chứng kiến cảnh rượt đuổi kinh hoàng khi các xe giành đường bắt khách. Tất cả sự việc này diễn ra trước nhiều chốt trực của CSGT.

Làm rõ “xe dù” lập bến trước mũi xe cảnh sát

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Xe dù lập bến trước mũi xe cảnh sát”, ngày 2/2, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ký hai văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý. Văn bản thứ nhất, ông Linh yêu cầu Thanh tra giao thông xác minh, làm rõ xe khách lập bến cóc trước mũi xe cảnh sát và xử lý nghiêm theo quy định. Văn bản thứ hai, yêu cầu công ty Cổ phần bến xe Hà Nội chỉ đạo các bến trực thuộc đảm bảo xe phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng vắng, thiếu xe xảy ra với một số tuyến tại bến Mỹ Đình như bài báo đã phản ánh.                                

Công bố đường dây nóng giao thông Tết Bính Thân

Ngày 2/2, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố số điện thoại đường dây nóng dịp Tết Bính Thân, lễ hội xuân 2016. Theo đó, những phản ánh về hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, các bến đò ngang; về giá cước vận tải, phản ánh về những vi phạm của nhà xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, liên hệ các số: 0962.665.953- 0977.497.891- 0964.045.445- 0916.908.085-0913.432.383- 0917.908.085.

Những phản ánh về các vụ việc tai nạn giao thông, tình hình ATGT liên hệ các số: 0985.465.896- 0993.211.111- 0989.088.719- 0936.173.906- 0995.918.666. Cục CSGT: 069.42608.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn