Hằng năm, theo báo cáo của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trong danh sách 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất, kể từ lần công bố đầu tiên, đều có sự hiện diện của ít nhất là 10 công ty xổ số, trong đó có cả Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Nai… Công ty xổ số nào cũng báo cáo doanh số năm sau tăng hơn năm trước ít nhất là 10%.
Người bán hên - xui
Ở nước ta, không hẳn người lao động nghèo mới mua vé số mà nhiều người giàu cũng mua vì muốn giúp đỡ những người bán vé số dạo. Đôi lúc, những người nghèo, lao động hy vọng đổi đời và người bán thường xuyên trở thành mối ruột của nhau.
Để bán được vé số, có người phải hóa trang để gây sự chú ý của mọi người. (Ảnh chụp tại Khu Du lịch Lâm viên Núi Cấm, An Giang) Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG |
Trường hợp của anh Tuấn và chị Lành ở tỉnh Long An mà ai cũng biết như một chuyện cổ tích. Chiều 15-11-2011, sắp đến giờ xổ số nhưng chị Lành vẫn còn 20 tờ vé số chưa bán hết. Chị nhớ đến anh Tuấn chạy xe ba gác là mối mua vé số quen biết nên gọi điện, hỏi: “Em còn 20 tờ có số đuôi 07, 14 và 91, anh lấy giúp nha?”. Anh Tuấn đồng ý lấy chịu vài tờ. Đến giờ xổ số, chị Lành và những người bán vé số dạo tụ tập ở thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An chờ kết quả.
Chị quá bất ngờ khi dãy số 191207 trùng với mấy tờ cuối cùng của mình mà trong đó anh Tuấn trúng 4 tờ giải đặc biệt và 6 tờ giải an ủi. Thay vì giữ vé số trúng cho mình, chị gọi điện nhiều lần để báo nhưng anh Tuấn không tin. Khi cầm những tấm vé số trúng trong tay, anh hết sức sửng sốt vì từ một người nghèo chạy xe ba gác kiếm sống hằng ngày bỗng chốc sở hữu số tiền trúng thưởng 6,6 tỉ đồng.
Nghe nhiều người bàn tán, chị Lành bộc bạch: “Hôm ấy, có nhiều người bảo tôi chia vé số trúng giải đặc biệt cho họ 1 tờ nhưng tôi nhất quyết không chịu vì đó là phần của anh Tuấn. Cùng là người lao động nghèo khó, mỗi lần bán ế, tôi gọi điện và anh ấy đều mua ủng hộ. Không lẽ giờ anh ấy trúng số mình lại giấu?”.
Nhiều người lao động nhập cư tại TP.HCM cũng như dân nghèo tại các tỉnh nhờ thu nhập bán vé số mà sống qua ngày. Hàng vạn người nghèo đang “mang thần tài hè phố đến cho mọi người”. Cái cảnh sáng sớm vừa mở cổng nhà đã có người bán vé số đợi sẵn để mời mua là bình thường.
Rồi ngồi quán cà phê, quán nhậu là có người chìa vé số vào mặt mời mọc. Người bán vé số nào hên, gặp người rộng rãi thì có thể bán được có khi cả trăm tờ. Mỗi tờ 10.000 đồng, người bán lời 1.000 đồng. Xui thì phải mang trả đại lý theo tỉ lệ quy định, số vé còn lại dù chạy vạy năn nỉ vẫn khó bán được, có khi ôm cả mớ vé ế.
Đáng lẽ phải thưởng hoặc có hình thức khuyến khích cho đội quân đông đảo, làm việc không ăn lương, không bảo hiểm xã hội này thì các công ty xổ số lại vì quyền lợi của mình mà càng ngày quy định việc lại trả vé càng khắc nghiệt hơn. Thay vì được trả lại đại lý 30% số vé đã lấy vào 15 giờ hằng ngày như trước, nay người bán chỉ được trả từ 5%-15% (tùy mỗi công ty). Quy định mới đã đẩy hàng loạt người bán vé số vào cảnh mắc nợ, ôm vé số ế mà bỏ về quê bởi số vé họ phải ôm ngày càng nhiều, vốn “âm” dần dẫn đến nợ nần.
Không chỉ vậy, người bán vé số dạo còn gặp nhiều rủi ro như bị cướp, bị các đối tượng làm số trúng thưởng giả để đổi thưởng, bị lừa một lần là trắng tay.
Ngồi mát ăn bát vàng
Đi đường, chắc đôi lần chúng ta cũng thấy cảnh có người gần giờ xổ số vẫn quỳ giữa đường than khóc. Có cả chuyện mẹ đốt con vì con không bán hết vé số. Những thảm cảnh như vậy liệu có liên quan gì đến những quy định khắt khe của các công ty xổ số?
Có một thực tế là các công ty xổ số không bao giờ lỗ. Doanh thu từ phát hành vé số hằng ngày luôn cao hơn tổng giá trị các giải thưởng. Lãi cao sao nỡ “ép” những người trực tiếp đi bán vé số hằng ngày đến mức cùng cực? Trong khi đó, những người nhàn nhã trong công ty xổ số lại lĩnh lương cao đến mức báo chí gọi là lương “khủng”.
Công tâm mà nhìn, lãnh đạo các công ty xổ số tại Việt Nam là những người “ngồi mát ăn bát vàng” vì đây là ngành kinh doanh tài chính độc quyền: tự quy định mức vé, tự quy định mức thưởng. Vậy thì kiểu gì mà chẳng lời? Nhiều người cho rằng kinh doanh độc quyền như xổ sổ, ít gặp khó khăn, sinh lợi nhiều thì việc thu nhập của viên chức quản lý đến 60,8 triệu đồng/tháng là quá cao so với các ngành nghề khác. Báo chí đăng nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Thuận thu nhập hằng tháng cũng tới 40 triệu đồng!
Trong năm 2015, liên tiếp lộ ra chuyện các công ty xổ số tỉnh nọ tỉnh kia chi tiền tỉ “thả ga” cho quan chức địa phương (kể cả quan chức sắp về hưu) đi “công tác”, du lịch, rồi đi học kinh nghiệm xổ số. Như vậy, có phải các chính quyền địa phương cũng có phần ngầm hiểu lợi nhuận từ xổ số là của ta và sau khi nộp thuế, cứ thưởng và chi vô tội vạ. Ai cũng có phần, xét nét nhau làm gì!
Như vậy, có thể đổi câu “xài tiền chùa” thành “xài tiền xổ số” được không?
Vé số từng được bán giá chợ đen Trên Tạp chí Phổ Thông số 36 (xuất bản tại Sài Gòn cách đây hơn 50 năm), nhà văn Nguyễn Vỹ viết: “Vừa rồi, ông Tổng Giám đốc Nha Kiến thiết có tuyên bố về vấn đề vé số kiến thiết bán giá chợ đen và đang nghiên cứu biện pháp chặn đứng cái nạn ấy. Vậy Diệu Huyền (Nguyễn Vỹ) có bài thơ sau đây: “Ai ơi, ai có biết/ Tại sao số kiến thiết/ Vẫn bán mười ba tỳ?/ Và công khai bán miết/ Chẳng sợ tội tình gì?/ Ai ơi, ai có biết/ Tại sao vé kiến thiết/ Ghi rõ số mười tỳ/ Mà cô hàng nhất quyết/ Mười ba trự? Hì hì/ Tôi hỏi cô Ánh Tuyết/ Bán vé số kiến thiết/ Tại sao có chuyện kỳ?/ Cô trả lời không biết/ Rồi cô cười khì khì/ Hỏi ai không ai biết/ Tại sao số kiến thiết/ Mỗi tháng xổ bốn kỳ/ Mà cứ chợ đen miết/Công khai bán lì lì…”. |