Bà Nguyễn Thị Canh (76 tuổi) ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đang lau dọn bàn thờ để chuẩn bị tiễn ông Táo về trời. Bà Canh cho biết: “Như bao năm qua, theo tục lệ ông bà truyền lại cứ đến chiều 23 thì gia đình tôi cúng ông Táo, tiễn ông Táo về trời và đến ngày 29 thì gia đình tiếp tục cúng ông bà, cúng ông Táo để rước ông bà và ông Táo về ăn Tết với gia đình”.
Bà Canh cho biết, tập tục cúng ông Táo do ông bà truyền lại. Đến ngày 23, bà viết ra những điều khó khăn cũng như mong ước gia đình rồi đốt gửi cho ông Táo về trình báo với Ngọc Hoàng. |
Nói về vật lễ cúng ông Táo bà Táo, bà Canh cho biết: "Gia đình tôi khó khăn thế nào, ông Táo bà Táo cũng biết rồi nên trong nhà có gì mình cúng nấy. Có khi là cơm, thịt kho hay chỉ là bánh với nước lã…". Được biết, gia đình bà Canh là một hộ nghèo khó khăn nhất của xã Trường Xuân. Dù năm nay bà Canh đã 76 tuổi nhưng vẫn trồng rau mang ra chợ bán để nuôi người chồng bị tai biến và hai đứa cháu nội ăn học.
Riêng gia đình bà Nguyễn Thị Lựa – xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai làm nghề thu mua phế liệu cho biết: “Dù làm gì thì làm, tiền nhiều hay ít nhưng đến chiều 23 là dành chút thời gian để cúng ông Táo. Năm nay, gia đình tôi cũng như mọi năm chỉ cúng ông Táo bằng trái cây với nước trà… rồi xin ông phù hồ cho gia đình trong năm mới bình an, công việc thuận lợi”.
Dù tập tục cúng ông Táo được rất nhiều người dân thực hiện nhưng ít gia đình có bàn thờ ông Táo như gia đình bà Lựa |
Qua quan sát, nhiều gia đình dù lưu giữ tập tục cúng ông Táo qua nhiều đời, tuy nhiên trong nhà ít hộ nào có bàn thờ ông Táo, bà Táo. Riêng gia đình bà Lựa, ngoài bàn thờ ông Thiên trước ngõ, tại gian bếp của bà có đặt riêng một bàn thờ ông Táo và trên bàn thờ ông Táo lúc này đã có một trái đu đủ và 3 chén trà đầy nước… để tiễn ông Táo về trời.
Đến thăm gia đình bà Trần Thị Liên – xã Trường Xuân, bà Liên trước đây là hộ nghèo có sổ nhưng năm vừa qua, sau khi bà gả chồng cho 2 cô con gái, chính quyền địa phương đã rút lại sổ nghèo, mặc dù bà vẫn nghèo như trước đây, vẫn đi làm thuê nuôi người chồng bệnh tật.
Với những hộ nghèo như bà Liên, ngày tiễn ông Táo về trời bà chỉ cúng nước lã, trái cây... để xin ông Táo phù hộ sáng năm gia đình khấm khá hơn. |
Bà Liên chia sẻ về tục cúng ông Táo: “Ông Táo bà Táo là người ở trong nhà mình nên chuyện lớn chuyện nhỏ gì ông bà đều biết. Do vậy, trước ngày ông Táo về trời để trình báo mọi việc cho Ngọc Hoàng thì mình cũng phải tiễn ông nhưng với những hộ nghèo, khó khăn như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền mua quần áo, vàng mã, cá chép để tiễn ông Táo. Bởi vậy, đến ngày này tôi dọn dẹp lại bàn thờ ông Thiên (do không có bàn thờ ông Táo - PV) rồi trong nhà có gì mang lên cúng ông cái đó, như chỉ ít bánh kẹo, nước lã hay trái cây gì đó rồi cầu ông ban phước cho gia đình mạnh khỏe, gia đình thuận thảo, công việc làm ăn phát đạt hơn năm qua”.
Hỏi thăm nhiều hộ nghèo ở nhiều địa phương khác, đa phần họ đều cho biết, do cuộc sống khó khăn đến ngày 23 họ vẫn còn đi làm thuê, người thì đi giậm lúa, người đi phụ hồ… Do vậy, đến chiều về bà con chỉ mang nước lã, ít trái cây lên bàn thờ để tiễn ông Táo về trời chứ chẳng có thời gian, tiền bạc đi mua sắm vàng mã, cá chép tiễn ông “rầm rộ” như những hộ khá giả.
Theo Dân Trí