Dưới đây là những kiêng kỵ mà tất cả các gia đình cần phải biết mà tránh.
Không nên cúng lễ Táo Quân trước hoặc sau ngày 23
Quan niệm dân gian cho rằng, lễ cúng Táo Quân cần phải được tiến hành đúng vào ngày 23 tháng Chạp để mong cầu các Táo giúp họ giữ “bếp lửa” gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Không nên cúng lễ Táo Quân trước hoặc sau ngày 23. Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch để Táo Quân kịp lên thiên đình.
Để ông Táo về chầu trời, các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Cá chép còn mang ý nghĩa "cá chép hóa rồng". Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, có thể chọn kích cỡ cá chép, loại cá chép với mức giá khác nhau.
Lễ cúng Táo Quân tốt nhất nên được tiến hành đúng vào ngày 23 tháng Chạp |
Không nhất thiết phải nghi lễ thịnh soạn
Nếu gia chủ bận rộn không có thời gian làm cỗ mặn thì dâng lễ bằng bánh chưng, khẩu giò (hay khoanh thịt vai luộc, gà luộc…) đều được cả, không nhất thiết phải nghi lễ thịnh soạn, rườm rà.
Bộ quan thần linh đi kèm bộ ông Công ông Táo không được hóa ngày 23
Khi mua mũ - áo – hia Táo Quân trọn bộ thường có cả bộ mũ – áo – hia của Quan thần linh. Các gia đình cần nhớ Bộ Quan thần linh chỉ dùng cúng và hóa đêm 30 Tết, không hóa cùng lễ cúng Táo Quân trong ngày 23 tháng Chạp.
Nên làm lễ Táo quân ở bàn thờ thần linh gia tiên
Theo một số chuyên gia phong thủy, việc làm lễ cúng Táo Quân nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên, không nên đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp. Bởi ban thờ là nơi trang nghiêm, được coi là nơi giao tiếp tâm linh giữa các đấng thần linh và người trần. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Lễ cúng Táo Quân nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên |
Trong khi làm lễ cúng Táo Quân không nên cầu xin tài lộc, sung túc
Có rất nhiều người cúng Táo Quân không quên xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, sung túc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy thì Táo Quân lên thiên đình là để báo cáo việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt, không nói điều xấu với thiên đình.
Không được ném cá chép từ trên cao xuống
Cứ mỗi dịp 23 tháng Chạp lại xuất hiện vô số hình ảnh về những cách thả cá chép "đặc biệt". Người thì quăng cá từ xa xuống hồ, người lẳng cá xuống sông, có người ném cả túi nilon đựng cá xuống ao......Đây là những hình ảnh rất xấu và nên tránh. Cá chép tượng trưng cho thần linh nên các gia đình chỉ thả cá từ từ xuống nước để cá có thể sống được.
Tuyệt đối không nên ném cá chép từ trên cao xuống như thế này |
Tỉa chân hương chỉ nên thực hiện sau lễ cúng Táo Quân
Vệ sinh bát hương, rút chân hương là điều nên làm khi Tết đến xuân về. Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý một số điểm khi tiến hành công việc này.
Theo quan niệm của dân gian, chuẩn bị năm hết Tết đến, các gia đình thường dọn dẹp, lau chùi ban thờ thổ công, gia tiên để mời các cụ về ăn Tết. Trong công việc dọn dẹp bàn thờ, việc lau bát hương, tỉa chân hương là quan trọng số 1, cần phải được làm một cách thành kính, cẩn trọng. Công việc này thích hợp nhất là sau lễ ông Công ông Táo. Người được lựa chọn cho công việc này phải là người chỉn chu, có tâm trong công việc thờ cúng ở trong nhà. Người được lựa chọn làm công việc dọn dẹp cũng phải tắm rửa sạch sẽ, thực hiện công việc với sự thành tâm.
Theo Tri Thức Trẻ