Lương của sếp làm ở công ty xổ số kiến thiết thật khủng so với mức lương và thu nhập bình quân của người dân lao động chân tay. Người lao động chân tay ở đây là ai? Là cụ già, trẻ em, người khuyết tật phải đội nắng, dầm mưa đi lao động (bán) từng tờ vé số. Đó là ý kiến của bạn đọc LeKaPu.
Bạn đọc Huongthanh gửi đến TTO một ý kiến rất dài bày tỏ sự thương cảm với những người nghèo, người tàn tật, trẻ em… hằng ngày phải đi rong ruổi khắp các con đường mời người ta mua vé số.
Từ thương cảm, bạn đọc đặt câu hỏi tại sao hàng năm lãi nhiều như vậy mà không chi hoa hồng kha khá lên một chút hoặc xây nhà tình nghĩa tặng cho người bán vé số?
Có cùng suy nghĩ này, độc giả Ehongchuc cho rằng phân phối vé số cực nhất là ở khâu bán lẻ, tức những người bán dạo. Vậy mà tiền lời họ kiếm được khi bán hàng trăm tờ vé số chẳng đáng là bao so với tiền lương tính bằng con số chục triệu mà các vị làm trong công ty xổ số được hưởng.
Bà Thu Dày (ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau) bị tật nguyền đôi chân. Hằng ngày bà mang theo cậu con trai mới hơn 2 tuổi ra tận nội ô TP.Cà Mau bán vé số kiếm sống. |
Ở một góc nhìn khác, nhiều bạn đọc đánh giá xổ số là ngành có nhiều đặc quyền, đặc lợi và không bao giờ lỗ, vậy mà lương bổng cán bộ quản lý và nhân viên công ty xổ số lại được tính cao ngất ngưởng vì “làm ăn có hiệu quả”.
Có ý kiến còn nhắc lại câu chuyện nhiều cán bộ sắp về hưu được cử đi công tác nước ngoài để học tập kinh nghiệm làm xổ số.
Độc quyền kinh doanh nên lãi nhiều, không vất vả như các doanh nghiệp khác dẫn đến việc chi tiêu thoải mái, trở thành “con cưng” của các địa phương và được hưởng nhiều ưu ái… là ý kiến của bạn đọc Tongson.
“Người dân mua vé số chẳng qua cảm thông với người bán dầm mưa dãi nắng. Không ngờ việc này lại làm béo bở cho một tập thể. Lợi nhà thì chưa chắc, ích nước thì được bao nhiều %. Không trách gì các công ty sổ xố mạnh tay tài trợ cho các quan du hí nước ngoài”, bạn đọc Dương Văn Tuấn nêu ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhận định vé số muốn bán được phải thông qua những người bán dạo, nói nôm na là những đại lý thấp nhấp trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng.
Tuy vậy, hoa hồng cho những người bán trực tiếp này lại rất thấp so với lương của những cán bộ làm việc trong công ty xổ số.
“Việc này giống như bán hàng, công ty thì bán buôn còn người bán vé số là bán lẻ. Tất cả lợi nhuận đều từ bán hàng mà ra, muốn đạt doanh số cao thì cuối cùng cũng phải thông qua bán lẻ. Do đó, phải có sự điều chỉnh hoa hồng sao cho hợp lý hơn”, GS.TS Nguyễn Ngọc Quang nêu ý kiến.
TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng xổ số kiến thiết vừa là chính sách xã hội vừa là nguồn thu ngân sách hiện nay và phải hoạt động theo luật, chứ không phải là đơn vị kinh doanh mang tính chất lợi nhuận bình thường.
Vì thế, mức lương và chi phí chi tiêu của đơn vị xổ số phải tuân theo quy định của Bộ Tài chính và phân cấp tại địa phương.
“Việc đơn vị nào trả lương quá cao, vượt quá mức lợi nhuận và nghĩa vụ với ngân sách cũng như mặt bằng chung của địa phương thì phải xem xét lại. Nếu vi phạm thì cần xử lý ngay để tránh chuyện biến tướng thành lợi ích độc quyền của nhóm, của cá nhân và gây bức xúc, bất công trong xã hội”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu không có sai phạm nhưng tồn tại bất cập thì vẫn phải có sự điều chỉnh cần thiết.
Ông Phong cho rằng hoạt động xổ số kiến thiết là hoạt động khá đơn giản nên phải rà soát lại chi phí nuôi dưỡng bộ máy và minh bạch hóa cơ cấu thu chi của những đơn vị này, không để xảy ra tình trạng lương cán bộ của các công ty xổ số quá cao so với mặt bằng chung như hiện nay.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) đánh giá xổ số kiến thiết có lợi nhuận rất cao vì chi phí đầu tư thấp, phần trích ra trao thưởng so với tiền thu về không lớn (do tỉ lệ trúng thấp).
Đồ họa. |
Do đó, việc phân bổ lợi nhuận phải làm sao hợp lý giữa những người lao động trong ngành, không thể lợi dụng chuyện lợi nhuận cao mà trả lương chót vót cho cán bộ quản lý.
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng nên có sự điều chỉnh về hình thức bán xổ số kiến kiến với nhiều lý do.
Một là nước ta đã bước qua giai đoạn khó khăn sau năm 1975, mục đích mua xổ số để góp phần kiến thiết đất nước đã hoàn thành nghĩa vụ lịch sử của nó và không còn phù hợp nữa.
Hai là việc tiếp tục hình thức xổ số như hiện nay sẽ vô tình tiếp tay cho nạn lô đề, gây khánh kiệt về kinh tế cho nhiều người mê muội số đề.
Nhiều bạn đọc còn đề xuất nên thống nhất các công ty sổ xố kiến thiết để hình thành công ty sổ xố quốc gia, hoặc chí ít cũng là công ty sổ số theo miền.
Mỗi tuần chỉ xổ số một lần, phát hành sổ xố qua các điểm đại lý bằng mạng Internet, có hội đồng giám sát và quay số công khai trên truyền hình.
Đồng tình với những ý kiến này, GS.TS Nguyễn Ngọc Quang cho rằng hình thức xổ số kiến thiết ra đời từ thời bao cấp, đến nay, đất nước đã trải qua nhiều biến chuyển về mặt kinh tế. Do đó, hình thức xổ số này cũng cần được thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.
“Ở các nước phát triển họ áp dụng hình thức mỗi tuần xổ số một lần. Ở Việt Nam, tùy thuộc vào mục đích mà đưa ra hình thức phù hợp, hài hòa giữa lợi ích của người mua và chủ sở hữu, đồng thời phải hạn chế được nạn lô đề nhức nhối hiện nay”, GS.TS Nguyễn Ngọc Quang nhận định.
Ở Mỹ, thông thường thì phần lợi nhuận thu được từ các hoạt động xổ số sẽ được dùng cho quỹ giáo dục của mỗi bang. Ví dụ như ở New York, tổng doanh thu từ xổ số trong năm 2002 - 2003 là khoảng 5.4 tỉ đô la Mỹ. 57% trong số đó sẽ được dùng làm giải thưởng, 33% sẽ đổ vào các trường học còn 10% còn lại sẽ được sử dụng để duy trì các hoạt động làm xổ số (Theo Howstuffworks).
Tại Anh, số tiền dùng để duy trì các hoạt động xổ số chỉ chiếm 4% lợi nhuận. Trong năm 2015, đã có 33 tỉ bảng Anh thu được từ hoạt động xổ số được quyên góp cho 450.000 dự án xã hội.
Trong đó 40% dành cho các dự án về sức khỏe cộng đồng, giáo dục, môi trường và từ thiện; 20% dành cho các dự án thể thao; 20% dành cho nghệ thuật và 20% dành cho các di sản văn hóa (Theo The National Lottery).
Thế vận hội Olympic 2012 ở London chủ yếu sử dụng tiền lợi nhuận thu được từ hoạt động xổ số.
Theo Zing