Bìa cuốn Madame Nhu Trần Lệ Xuân - quyền lực Bà Rồng. |
Đây là tư liệu chính thức giúp độc giả hiểu đầy đủ về cuộc đời một con người sau quá nhiều thêu dệt, tranh cãi từ nhiều phía với nhiều dụng ý khác nhau…
Cuốn sách chia làm 16 chương, đi từ xuất thân, giai đoạn trưởng thành đặc biệt của bà Trần Lệ Xuân và những bước đi vào thế giới quyền lực, sự hiện diện đặc biệt của một “Madame Nhu” trong chính quyền Đệ nhất Cộng hòa.
Tác giả Monique Brinson Demery là một ký giả, nhà nghiên cứu người Mỹ, từng tốt nghiệp Đại học Hobart và William Smith, là thạc sĩ về Đông Á học tại Đại học Harvard năm 2003. Bà từng tìm hiểu về bối cảnh lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam và tiến hành những cuộc tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân vào năm 2005. Theo những gì được mô tả, thì đây là những cuộc tiếp xúc trở lại với báo chí phương Tây của bà Nhu – Trần Lệ Xuân sau 20 năm lùi vào bóng tối.
Từ các cuộc tiếp xúc, Monique Brinson Demery đã dựng lên những trang viết tự nhiên, sâu sắc, hấp dẫn dưới phong cách hồi ký.
Bản gốc cuốn sách có tựa Finding the Dragon Lady: The mistery of Vietnam's Madame Nhu ấn hành vào tháng 5 – 2013, do nhà xuất bản PublicAffairs công bố vào tháng 05-2013.
“Đây là câu chuyện mới nhất, chưa được kể về chiến tranh Việt Nam – cuốn tiểu sử đầy cuốn hút, riêng tư với kết cục bi thảm của bà Ngô Đình Nhu – đệ nhất phu nhân không chính thức của Việt Nam Cộng hòa, người mà quyền lực chính trị và bản tính sắt đá đã mang lại cho mình danh hiệu Bà Rồng. Cuộc đời bà đã khép lại trong cảnh lưu vong và cô liêu vào năm 2011.
Monique Demery đã dành 10 năm tìm hiểu nhân vật Bà Rồng khó lường này. Kết quả của sự cần mẫn đó là một cuốn sách hay vừa đậm chất học thuật vừa có thể đọc say mê như một câu chuyện bí ẩn thú vị”, David Lam, tác giả của cuốn Vietnam now: A reporter return viết.
Bản dịch tiếng Việt cuốn Madame Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng do Mai Sơn dịch, Phương Nam & Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, ra mắt độc giả trong dịp Tết Bính Thân.
Theo TB KTSG