Ông cảm thấy thế nào khi nhận được thông báo cách chức từ cấp trên chiều 4/2?
Tôi rất khó nói.
Tại sao ông và Ban điều hành Đường sắt Hà Nội lại lên kế hoạch nhập toa xe cũ từ Trung Quốc?
Chủ trương này bắt đầu từ cuộc họp về chạy tàu liên vận giữa hai nước tại Khai Viễn (Trung Quốc) vào tháng 4/2015. Khi đó, tôi là một thành viên tháp tùng đoàn công tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ý tưởng này được phía đối tác đưa ra vì trên thực tế, họ đang dừng chạy đường sắt khổ 1.000mm để chuyển sang khổ 1.435mm. Trong khi đó, mình lại có nhu cầu toa xe hàng rất lớn và đang thiếu để chạy liên vận quốc tế giữa Lào Cai và Côn Minh (Trung Quốc).
Năm 2014, tuyến này không có tấn hàng nào mà đến 2015, đã lên đến 350.000 tấn với hàng hóa chủ yếu là chở quặng apatit sang Trung Quốc và chở phân bón về Việt Nam. Tuy nhiên, khi vào Trung Quốc thì tàu của ta không được chạy vì họ nói không đủ tiêu chuẩn. Vì thế, ta phải thuê lại toa xe của phía Côn Minh và trả bằng đồng tiền Thụy Sỹ. Ở chiều ngược lại, mình kiểm tra thì thấy tàu họ tốt hơn, nên được chạy vào lãnh thổ Việt Nam.
Trong bối cảnh như thế, khi chào hàng, phía Trung Quốc nói đằng nào họ cũng thay thế, còn ta thì cần nên sẽ nhượng giá rẻ. Từ đó, Tổng công ty đã có văn bản chỉ đạo chúng tôi tìm hiểu các thông số như năm sản xuất, giá cả bao nhiêu để báo cáo lại. Chúng tôi đã làm xong và báo cáo thường xuyên.
Thế nhưng, chúng tôi nhớ rằng hình như Việt Nam có quy định tàu không quá 15 năm mới được nhập về. Vì vậy, văn bản mới đây chúng tôi gửi lên Bộ Khoa học & Công nghệ cùng Bộ Giao thông Vận tải là để xin ý kiến xem nếu công ty muốn nhập thì có được phép không.
Văn bản này không phải là xin chủ trương đầu tư. Chỉ khi được tư vấn rằng được nhập như thế, chúng tôi mới thực hiện chứ Tổng công ty hay công ty chưa có chủ trương lập dự án đầu tư gì cả.
Song, có thể văn bản đã không toát lên được ý đó nên dư luận hiểu là chúng tôi mua đến nơi rồi. Cho tới bây giờ, chúng tôi chưa bỏ một xu nào để mua cả, mới cho tìm hiểu thôi.
Nhưng trong khi ngành đường sắt đang đổi mới, hiện đại hoá mà lại tính toán nhập toa xe cũ thì các ông nghĩ sao?
Mua xe mới thì ai lại không muốn! Nhưng phải cân đối khả năng tài chính. Công ty mới chuyển sang mô hình cổ phần, còn khó khăn. Nếu mua mới mà giá cao thì trích lập khấu hao hằng năm liệu có đủ không? Tất cả cần cân nhắc.
Trong khi theo chúng tôi tìm hiểu, họ chào giá mỗi toa cũ khoảng 210 triệu đồng, có thể chạy được ngay. Còn đóng mới cùng loại trong nước khoảng một tỷ đồng và phải chờ.
Chúng tôi hiểu cần phải thận trọng khi mua hàng hóa Trung Quốc nhưng với ngành đường sắt, nói thật là đến đầu máy thế hệ mới nhất bây giờ của Việt Nam cũng là do Trung Quốc sản xuất. Còn với toa xe, nhất là chở hàng, thì đang có hơn 1.200 xe mà chúng tôi quản lý là mua từ Trung Quốc. Trong đó, nhiều cái đã 40 năm vẫn đang dùng.
Những xe chúng tôi đang tìm hiểu khoảng trên dưới 20 năm. Một khi mua thì mình cũng phải lựa chọn nữa, làm sao để mua được loại năm sản xuất gần nhất, thời gian đã qua sử dụng ngắn.
Theo quy hoạch thì sau năm 2020, ngành đường sắt đang tính làm đường tốc độ cao, khổ 1.435mm. Vậy nếu mua toa xe như vậy thì nguy cơ lạc hậu ra sao?
Nói về tương lai thì chắc chắn phải làm đường sắt khổ 1.435mm cho cả tàu hàng và khách. Nhưng nếu giờ nhu cầu toa xe hàng cấp bách mà lại đi mua mới, sau phải thải loại thì tôi thấy càng tốn kém hơn.
Vậy sau những điều trên, ông thấy quyết định kỷ luật với mình thế nào?
Tôi không sao. Tôi chấp hành và coi đó như một tai nạn.
Sau thông tin về việc đường sắt muốn nhập hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho thôi nhiệm vụ đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp, đồng thời chỉ đạo Hội đồng quản trị công ty này cách chức Tổng giám đốc của ông này. Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội được thành lập từ 1/1/2016, tiền thân là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội. Ông Nguyễn Viết Hiệp được bầu lại làm Tổng giám đốc và là người đại diện 35% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này . |
Theo VNE