Tản mạn theo hoa về phố

Thứ sáu, 05/02/2016, 15:09
Theo muôn sắc hoa rạng rỡ về phố là mối ưu tư của người nông dân chân lấm tay bùn coi mỗi mùa hoa Tết có khi là một canh bạc…
Phía sau hoa Tết là rộn ràng phố xá những ngày này là tâm trạng đầy ưu tư của người nông dân trồng hoa

1. Năm nay thời tiết “khó tánh”, nghe nói mấy vựa hoa miền Tây gặp khó. Vài tuần trước, trên màn ảnh nhỏ, có người khóc ròng vì mai nở sớm, vì cúc không xôm nụ như mọi năm.

Mà thời tiết tự nhiên thôi chưa đủ, thời tiết của thị trường mới là thứ nghiệt ngã không kém. Nghe đâu năm nay làm ăn chưa sáng sủa lắm, nhu cầu đầu tư trang hoàng nhà cửa Tết nhất của người thành phố cũng không cao. Nhà vườn trồng hoa không khỏi lo lắng.

2. Cũng như nhiều người Sài Gòn, tôi vẫn có thói quen dạo quanh những chợ hoa Tết vào những ngày này. Xem hoa, thưởng hoa rồi được chuyện trò với những người trồng hoa, những thương lái miền Tây, vùng ngoại thành chân chất, nghe họ kể về một năm mần ăn với biết bao toan tính, thao thức. Thường thì sau mỗi bận lãng du qua các chợ hoa, tôi thường trở về với tâm trạng không mấy nhẹ nhàng khi nhận ra phía sau mỗi bông hoa rực rỡ khoe sắc là hình ảnh người nông dân truyền thống với nỗi cơ cực muôn thuở.

Mặt hoa với mặt người đôi khi là sự tương phản ngầm ẩn mà gay gắt khó bề hóa giải.

3. Tôi nghĩ đến bản chất của việc rước hoa, rước lộc về nhà của những thị dân là rước vào nhà một cõi miền thiên nhiên cô đọng và ước lệ. Phong tục ấy thật tích cực trong tư duy coi thiên địa nhân là hợp nhất, hài hòa. Phong tục ấy cũng đúng với cái tinh thần sống xanh của thời hiện đại. Nhưng giá như khi đón về nhà mỗi một chậu hoa, cây kiểng tươi tốt, ta nhận ra ở đó có cái tâm tình, số phận của những tha nhân nghèo dễ tổn thương lại đang đứng trong tâm bão của cuộc “biến đổi khí hậu” tự nhiên lẫn kinh tế, để trân trọng, sẻ chia hơn trong cuộc sống.

Mỗi mùa hoa Tết có khi là một canh bạc của người nông dân chân lấm tay bùn

4. Giá hoa càng đến sát Tết càng rẻ. Người nông dân, thương lái sau những ngày dài tranh giành vị trí, cạnh tranh giá cả, lựa lời ngon lời ngọt thuyết phục chào mời khách, thì đây là thời khắc sự mệt mỏi thể hiện trong dáng bước, bộ dạng rệu rã của họ. Người bán được hàng có thể nhoẻn môi cười, xuống ghe, lên xe vẫy chào thị thành mà trở về nhà cho kịp Tết. Người bán ế ẩm, thì chiều ba mươi là buổi chiều hiu hắt. Những chậu mai chưa kịp nở hết nụ lại bị bấm cành trụi lủi, những chậu tắc, quế… lại tỉa gọn, chất lên ghe, lên xe tải trở về vườn quê sau khi bán rẻ như cho nhưng chẳng có khách mua.

Chiều ba mươi, đứng trên cầu Tân Thuận, bến Bình Đông nhìn những chuyến ghe chở hoa ế ngược về quê, mới cảm hết cái đắng xót trong ánh mắt những người đánh cuộc trong canh bạc hoa.

Một chuyến hàng hoa Tết từ miền Tây đổ về bến Bình Đông.

5. Họ đem đến và chóng vánh rời khỏi thành phố. Giọt mồ hôi cùng nỗi cơ cực muôn phần phác thảo nền sắc thái mùa xuân. Rồi như một quán tính nào đó chi phối, những ngày tháng tiếp theo, vẫn chân lấm tay bùn, họ đi qua vụ lúa, vụ cây trái và lại chờ đến vụ hoa.

Bác Tám, người Đồng Tháp, năm trước còn theo chuyến thuyền gia đình chất đầy hoa lên Sài Gòn. Trong câu chuyện bên hoa chiều hăm chín Tết với với khách mua hoa còn không quên hẹn gặp lại vào mùa hoa năm tới, có thể ở trên đồng, có thể ở chợ hoa thành phố, vậy mà năm nay lân la tìm kiếm, thăm hỏi miết mới biết, sau chuyến hoa ế năm rồi, lão nông say canh bạc hoa sanh tâm bịnh rồi vĩnh viễn ra đi.

6. Cuối năm, lặn lội những phiên chợ hoa tìm những người nông dân miền Tây – dù chỉ gặp một vài lần – mới hay bên sắc hoa rộn ràng, là biết bao ngậm ngùi, dâu bể.

Thêm một chuyến thuyền chở hoa Tết về chợ hoa Trần Xuân Soạn, Q7, TP.HCM

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn