Ngỡ ngàng ngắm cây cảnh bạc tỷ ở chợ hoa Sài Gòn

Thứ sáu, 05/02/2016, 10:49
Tại nhiều khu vực chợ hoa ở Sài Gòn bày bán phục vụ dịp Tết, khách thương hồ tứ xứ mang đến những sản phẩm cây cảnh độc đáo, lạ lùng... là thành quả kiến tạo của tự nhiên và sức sáng tạo của các nghệ nhân, thật không ngoa khi nhiều cây có giá lên tới cả tỷ đồng.
Cây mai có tuổi đời 100 năm được trưng bày ở khu vực chợ hoa Phú Mỹ Hưng của một nhà vườn tại Củ Chi (TP.HCM) có giá lên tới 2 tỷ đồng.
Cây mai có gốc xoắn xù xì, cây cao khoảng 4m, tán 3m, thế cực đẹp.
Nhiều khách du vì ngưỡng mộ vẻ đẹp của cây đã tranh thủ xin phép ghi lại những hình ảnh đẹp.
Cây mai có nhiều nụ, điểm hoa vàng, lá non mơn mởn đúng ngay dịp Tết
Một cây mai khác cũng của nhà vườn nói trên có giá mấy trăm triệu cũng được đưa đến hội chợ hoa, vừa để bán, vừa để trưng bày.
Mai là biểu tượng mùa xuân ở Nam Bộ, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều cây mai cổ thụ, giá trị được các nhà vườn, nghệ nhân mang đến nhiều hội chợ hoa Xuân để người dân được tưởng thưởng.
Hai cặp khế cảnh có tuổi đời khoảng 100 năm được các nghệ nhân ở một nhà vườn ở Nam Bộ mang đến hội chợ hoa Xuân.
Theo tích ăn khế trả vàng, nên cây khế được nhiều người chơi mong muốn được sở hữu để cầu tài lộc trong năm mới, đặc biệt là cặp khế đã có tuổi đời cao lại càng giá trị. Cặp khế nói trên được định giá vào khoảng 1,2 tỷ đồng.
Hai cây khế có hình dáng xù xì, cổ quái được nhà vườn mua lại từ khoảng 10 năm trước và tiến hành tạo thế, tôn dáng.
Gần đó, một cây lộc vừng lớn có ba thân chung một gốc tượng trưng cho Phúc Lộc Thọ của một vườn cảnh ở huyện Bình Chánh, TP.HCM được cho là có tuổi đời 300 năm và giá trị 3 tỷ đồng. Ngoài ra, một cây lộc vừng khác cũng của vườn cảnh này có giá khoảng 2 tỷ đồng.
Cặp cây cây lộc vừng được cắt cành, tỉa nhánh, hình thù xù xì già cỗi tạo nên vẻ đẹp khá đặc biệt. Theo dân gian, lộc vừng là loại cây thường mọc ở ven sông, ao hồ ở miền quê; cây dễ sống, ưa nước, hoa nở thành chùm đỏ rực lá non dùng làm rau. Vì tên có chữ "Lộc" nên được "gán" cho là cây mang tài phúc vào nhà khi trồng. Nhiều bậc cự phú vốn từ sinh trưởng ở miền quê với tuổi thơ chăn trâu, tránh nắng dưới gốc lộc vừng, khi về già, có cuộc sống dư giả thường săn lùng loại cây này về chưng để tưởng nhớ về quê hương những ngày cam khó.
Theo chủ sở hữu thì hai gốc lộc vừng được mua lại từ 10 năm trước, trải qua nhiều công chăm bón, cắt tỉa mới có hình dạng được như ngày hôm nay.
Cây lộc vừng đã trổ hoa xong và có nhiều quả trên cành. Trọng lượng mỗi cây kèm chậu lên đến hàng tấn, muốn mang đến trưng bày, nhà vườn phải thuê xe tải, xe cẩu di chuyển hết sức cẩn trọng.

Theo PL TPHCM

Các tin cũ hơn