Nga nấn ná dừng ván cờ ở Syria

Thứ năm, 03/03/2016, 11:30
Nga có thể phải nấn ná trên chiến trường Syria để đảm bảo tiến trình chuyển đổi chính trị, chiến đấu chống IS và dè chừng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Putin.

Thoả thuận ngừng bắn một phần mà Nga và Mỹ đạt được ở Syria là dấu ấn mới nhất của "cú ăn ba" trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, khi Điện Kremlin đang chứng tỏ ngày càng rõ rệt vai trò ở Trung Đông, trong bối cảnh chiến sự dai dẳng Ukraine và khủng hoảng di cư ở châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh đó, vẫn còn một câu hỏi chưa có lời đáp, liệu Nga sẽ kết thúc những ván bài này như thế nào?

Ở Syria, Nga đã đạt được mục tiêu chính là củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của Nga tại đất nước Trung Đông này vẫn còn là ẩn số, chưa kể đến việc Moscow sẽ phải rút chân ra như thế nào mà vẫn giữ thể diện.

Tại châu Âu, ông Putin muốn 28 quốc gia thành viên EU không đạt được thống nhất trong việc áp đặt trừng phạt kinh tế với Nga, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.Truyền thông Nga chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc người di cư sinh sống ở Đức gây ra những vụ bạo lực, thậm chí tấn công tình dục.

Đối tượng hướng đến của các thông điệp chính trị này là dân chúng Nga, vì đây cũng là cách làm giảm lo lắng cho người dân trong bối cảnh kinh tế Nga đi xuống. "Ngoài mặt, chúng ta rất mạnh mẽ, rất quan trọng, chúng ta thật tuyệt vời" Nikolai Petrov, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Moscow, nói một cách mỉa mai.

Khó rút chân

Khi công bố thoả thuận "đình chiến", ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của thoả thuận là một nỗ lực chung Nga - Mỹ. Lời lẽ của Tổng thống Nga gợi nhớ những ngày hai siêu cường cùng chung bước tiến trên thế giới, cùng nhau giải quyết những vấn đề, trước khi Liên Xô tan rã, NYTimes nhận xét.

"Nga sẽ tiến hành các công việc cần thiết với Damascus và các lãnh đạo Syria hợp pháp", ông Putin cho biết, trong khi Mỹ sẽ làm việc cùng các đồng minh và nhóm đối lập. "Tôi chắc rằng các hành động chung đã thoả thuận với phía Mỹ sẽ đủ để triệt để đảo ngược tình hình ở Syria", Tổng thống Nga nói.

Hơn nữa, ông Putin muốn làm rõ ràng rằng sự can thiệp của Nga tại Syria sẽ tránh khỏi những sự sụp đổ đã xảy ra tại Iraq, Libya và Yemen, hay khả năng xảy ra cách mạng màu do Mỹ hậu thuẫn như ở Ukraine năm 2004 và Georgia năm 2003. Ông tuyên bố Syria có thể là một ví dụ về "hành động có trách nhiệm".

Nga tháng này điều khoảng 50 máy bay chiến đấu đến một căn cứ không quân gần thành phố Latakia, Syria, cùng với hơn 4.000 binh lính. Trong động thái này, Nga dường như có 5 mục tiêu chính: ngăn cản việc thay đổi chế độ chính trị do nước ngoài tác động; cản trở kế hoạch của Washington nhằm cô lập Moscow; chứng minh rằng Nga là đồng minh vững chắc hơn so với Mỹ; thử nghiệm các loại vũ khí mới; và trình bày chính sách đối ngoại mới của Kremlin.

Ở một mức độ nào đó, tất cả 5 mục tiêu này đều đã đạt được, khiến xuất hiện một số tiếng nói kêu gọi Nga trở về nhà.

"Chúng tôi có những thành quả rõ ràng, điều quan trọng là tất cả mọi người giờ đều nhắc đến chúng tôi", Boris B. Nadezhdin, cựu nghị sĩ Nga nói trong một chương trình talk show nổi tiếng. "Chính quyền Assad, hay có thể nói là chính phủ hợp pháp của Syria, sẽ tiếp tục nắm quyền lực", ông nói thêm. "Chúng ta cần một giải pháp chính trị, và ngừng đổ tiền vào một cuộc chạy đua vũ khí".

Những khoản tiền đổ vào Syria vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên, chi phí khoảng ba triệu USD một ngày để chi trả cho hoạt động của Nga tại Syria được nhiều người coi là con số chấp nhận được.

Các nhà phân tích nói rằng Nga muốn duy trì sự hiện diện đủ lâu để giám sát việc chuyển đổi sang một chính phủ mới ở Syria, để đảm bảo rằng Damascus vẫn sẽ là đồng minh với Moscow, và cho thấy rằng sự chuyển đổi chính trị có thể đạt được thông qua thương lượng, không cần phải thay đổi chế độ. Ông Assad vừa công bố cuộc bầu cử quốc hội tại Syria sẽ diễn ra vào ngày 13/4.

Quá trình giám sát này sẽ kéo dài bao lâu? Aleksandr Shumilin, chuyên gia cao cấp về vấn đề Trung Đông tại Viện Khoa học Nga cho rằng việc đó sẽ phụ thuộc vào tình hình, mà tình hình đang rất phức tạp.

Ông Assad, người hiện có vị thế cao hơn trước do sự hỗ trợ của Nga và Iran, tuyên bố ông có kế hoạch giành lại toàn bộ Syria. Nếu Nga giúp chính phủ đánh bại phe đối lập ở phía tây đất nước, sẽ chỉ còn nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là đối thủ đáng gờm duy nhất với quân chính phủ.

Điều đó sẽ khiến Nga có thể phải ở lại Syria trong thời gian dài để hỗ trợ Damascus trong công việc nặng nhọc là đánh bật các chiến binh Hồi giáo. Chính phủ Syria phải "làm theo sự dẫn dắt của Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng này", Vitaly Churkin I., Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, nói với tờ nhật báo Kommersant. Nếu chính phủ Syria cho rằng "việc ngừng bắn là một điều không cần thiết và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng", ông nói, "thì cuộc xung đột này sẽ tiếp diễn trong một thời gian rất dài".

Một vấn đề nữa có thể níu kéo Moscow ở lại chiến trường Syria là mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi một máy bay chiến đấu Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 12 năm ngoái. Ankara cho rằng máy bay này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ âm mưu xâm lược Syria, và có thể đổ lỗi cho Ankara nếu thoả thuận ngừng bắn sụp đổ.

Đến nay, Điện Kremlin có thể cho rằng hoạt động của mình tại Syria đã thành công. "Không tốn quá nhiều tiền bạc, không đổ máu, không người dân Nga thiệt mạng và nó được dân chúng nhìn nhận một cách tích cực", ông Petrov, giáo sư khoa học chính trị, nói.

Vấn đề Syria đã làm người dân Nga bớt bận tâm với cuộc chiến tại nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vì vấn đề Ukraine đã cắt đứt những mối quan hệ của Nga với các thị trường tín dụng phương Tây - điều mà Nga rất cần để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Sự can thiệp của Nga ở Syria nhằm khẳng định vai trò của Moscow là đối tác đáng tin cậy trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, và từ đó giúp thúc đẩy phương Tây chấm dứt lệnh cấm vận.

Nhưng bên cạnh việc tấn công IS, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Assad, đi ngược lại với những gì mà phương Tây làm. Hành động này khiến phương Tây không ưa Nga, và vì thế, Moscow rất có thể phải đi con đường khó khăn hơn: khai thác những rạn nứt trong lòng châu Âu để kết thúc các lệnh trừng phạt.

Theo ông Konstantin von Eggert, nhà bình luận chính trị độc lập, có một điều chắc chắn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, là "Nga không thể trở lại sân khấu toàn cầu khi vẫn phải gánh một loạt lệnh trừng phạt".

Theo VNE

Các tin cũ hơn