Tại hội nghị được tổ chức ngày 2/3, ông Vũ Đăng Minh (Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) cho biết để đánh giá bước đầu tác động của chính sách đối với giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, Bộ Nội vụ đã phối hợp với UNFPA nghiên cứu, xây dựng “Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam” lần thứ nhất.
Tầm vóc thấp kém
Các phát biểu tại hội nghị đều khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác phát triển thanh niên. Tuy nhiên, thanh thiếu niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để có thể phát triển hết tiềm năng của mình.
Theo báo cáo nêu trên, tính đến năm 2014 số thanh niên trên toàn quốc là hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% dân số cả nước. Hiện tại tỉ lệ biết đọc, biết viết chung của thanh niên Việt Nam là 96,3%, trong đó nam giới là 96,7% và nữ giới là 95,8%.
Về tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4 cm (thấp hơn 13 cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4 cm (thấp hơn 10 cm so với chuẩn).
So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thanh niên Việt Nam kém hơn.
Chiều cao của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là 5-6cm.
Các số liệu được báo cáo này dẫn ra cũng cho thấy tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.
Chiều cao thanh niên VN theo kết quả điều tra từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015. |
Bia rượu, thuốc lá: cao
Trong khi đó, chấn thương và tai nạn giao thông là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với thanh niên Việt Nam. Đơn cử có 30,8 người trên 100.000 thanh niên trong độ tuổi 20-24 bị tử vong vì tai nạn giao thông.
Báo cáo nêu các điều tra về hành vi nguy cơ sức khỏe như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia của thanh niên trước đây thường có mẫu tương đối nhỏ, sử dụng hình thức phỏng vấn hoặc phát phiếu tự điền dẫn đến việc các số liệu hiện tại có thể chưa phản ánh chính thức tỉ lệ có hành vi nguy cơ trong thanh niên Việt Nam hiện tại.
Tuy nhiên, các số liệu này đã cho thấy một tỉ lệ tương đối cao của thanh niên Việt Nam hút thuốc lá và uống rượu bia.
Hiện tại đã có tương đối nhiều chương trình can thiệp về rượu bia và thuốc lá ở cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa có chương trình nào đưa mô hình can thiệp điển hình có tác động hiệu quả đến nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên.
Đặc biệt, các mô hình can thiệp giúp vị thành niên/thanh niên cai nghiện thuốc lá và rượu là một mảng còn thiếu ở Việt Nam.
Trong một quán nhậu, chúng tôi quan sát chiếm số lượng đông nhất là người trẻ tuổi. |
Đáng chú ý, theo báo cáo, tỉ lệ thanh niên từng tham gia bất kỳ một khâu nào trong quá trình xây dựng chính sách là rất thấp (14,4% trong toàn mẫu). Nhóm sinh viên là nhóm có tỉ lệ tham gia xây dựng chính sách cao hơn so với nhóm thanh niên khu công nghiệp và thanh niên nông thôn.
Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy sự tham gia của thanh niên vào hoạt động xây dựng và thực thi chính sách còn yếu vì nhiều lý do, cụ thể như những nhà hoạch định chính sách chưa tham vấn, phối hợp huy động được sự tham gia của thanh niên, thanh niên chưa phát huy vai trò làm chủ của mình...
Một số thanh niên từng tham gia công tác xây dựng chính sách cảm nhận rằng ý kiến đóng góp của mình chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự được sử dụng trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, do vậy họ không hào hứng tham gia các hoạt động sau này của việc xây dựng và thực thi chính sách.
Báo cáo nêu trên cũng có nhiều nội dung khác về thực trạng giáo dục, lao động, việc làm...
Ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh một số kiến nghị, trong đó cần có chương trình giúp thanh niên phát triển thể chất để bắt kịp các nước khác, xây dựng và phát triển các mô hình giúp giảm hành vi nguy cơ để kéo giảm tỉ lệ hút thuốc lá, bia rượu.
Ông Nguyễn Văn Thuyết (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho biết hiện nay Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật thanh niên theo hướng tiếp cận dựa trên các quyền của thanh niên.
Vì vậy thông qua hội nghị lần này sẽ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý của các quốc gia giúp ích cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi Luật thanh niên, cũng như các chính sách phát triển thanh niên trong thời gian tới.
Theo Tuổi Trẻ