Bí thư Thăng: 'Cụ thể bao giờ xong, đừng nói chủ trương'

Thứ năm, 03/03/2016, 12:31
"Trong báo cáo tôi vẫn chưa thấy sự thể hiện quyết tâm, đột phá, chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể", Bí thư Đinh La Thăng phàn nàn báo cáo của các cơ quan quản lý công nghệ TP.HCM.

Khi nghe ông Lê Hoài Quốc – giám đốc Khu công nghệ cao và ông Nguyễn Việt Dũng – giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM báo cáo, ông Đinh La Thăng đòi hỏi: “Các anh cứ nói chủ trương, hỗ trợ, đề xuất, đang trình. Các anh nói cụ thể bao giờ xong. Đừng nói chủ trương nữa. Trong báo cáo tôi vẫn chưa thấy sự thể hiện quyết tâm, đột phá, chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể".

Sáng 3/3, bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm Khu công nghệ cao TP.HCM, các công ty công nghệ và làm việc với các cơ quan quản lý công nghệ trên địa bàn.

Nghe giám đốc Sở Khoa học Công nghệ trình bày chưa thông, ông Thăng vặn: “Anh nói trong tổng số ngân sách chi cho khoa học công nghệ có đến 80% phát triển hạ tầng, anh đứng đầu Sở anh phải chủ động đề xuất ngân sách phải chi bao nhiêu % trong tổng số hơn 2% tổng chi cho khoa học công nghệ cho các hoạt động nghiên cứu trực tiếp. Ví dụ trong 2% thì phải chi ít nhất 50-60% cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, vườn ươm, thương mại hóa..”.

Cho rằng việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao chưa đạt, ông Thăng chê: "Trong 13 năm, khu công nghệ cao thu hút đầu tư 4 tỷ USD là quá thấp. Bắc Ninh và Thái Nguyên không có khu công nghệ cao nhưng Bắc Ninh thu hút 23 tỷ USD, Thái Nguyên 5-6 tỷ USD, cả hai nơi này đều thu hút tập đoàn Samsung vào đầu tư".

Bí thư Thăng còn chỉ đạo, mong các nghiên cứu khoa học, các sáng tạo của sinh viên, nhà khoa học trẻ phải có sự gắn kết với thực tiễn đời sống, ứng dụng, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học vào cuộc sống.

Ông Thăng đòi hỏi: "Để xây dựng TP.HCM là đầu tàu kinh tế thì vai trò, tỷ trọng phát triển của khoa học công nghệ chiếm bao nhiêu %, phải xác định nâng lên bao nhiêu, năng lực cạnh tranh bao nhiêu %, thu hút bao nhiêu tiền? Phải nói cụ thể từng mục tiêu”.

Đánh giá khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng với TP.HCM, ông Thăng chỉ đạo: "Với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì khoa học công nghệ phải phát triển, là động lực thúc đẩy cho cả hệ thống phát triển. Phải đưa khoa học công nghệ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển, phải tạo được sức hút và sự lan tỏa không chỉ trong thành phố mà còn ở khu vực và cả nước".

Giải thích rõ hơn về sức hút và lan tỏa, ông Thăng nói: "Sức hút ở đây chính là các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong và ngoài nước; lan tỏa ở đây chính là thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển khi áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn".

Tại cuộc làm việc, ông Thăng còn đề nghị: “Viện phí vừa tăng, người dân phải đòi hòi những nhu cầu cấp thiết, tiện ích để tương xứng. Các anh có thể nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo ra được giường bệnh nâng đỡ tự động, máy chuyển tự động bệnh nhân từ giường bệnh ra khu vực tắm rửa được không?”.

Trước đó, báo cáo với bí thư Đinh La Thăng, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng thừa nhận Khoa học công nghệ vẫn chưa tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế chung của thành phố. Ông chia sẻ rất nhiều khó khăn đang tồn tại cần có cơ chế để thúc đẩy phát triển.

Ông Dũng cho biết hiện nay tổng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ hơn 2%, trong đó có đến 80% đầu tư hạ tầng, chỉ có khoảng 7% đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm khoa học công nghệ. Vì thế rất khó thu hút, mời các nhà khoa học nước ngoài cũng như các chuyên gia khoa học công nghệ giỏi của VN về công tác. Khó triển khai phát triển, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ có tính mũi nhọn.

Ông Dũng cũng đề xuất, lãnh đạo thành phố cần sớm có những chủ trương, nâng mức đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, vườn ươm các sản phẩm khoa học lên 50-60% tổng ngân sách chi cho khoa học công nghệ. Có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút các nhân tài trong và ngoài nước. Đặc biệt sớm xây dựng “Thành phố” khởi nghiệp sáng tạo khi ấy sẽ dễ thu hút nhân tài, các sản phẩm sáng tạo và liên kết các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn