Ngày hôm qua, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ rằng: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Và hẳn là những ngày qua, người dân TP.Hồ Chí Minh cảm thấy như có một luồng sinh khí mới khi ông Thăng mang đến quyết tâm cải cách ở mọi nơi, với một câu nói rất ngắn gọn “vì dân, hành động”.
Nhưng cũng ngay ở thành phố này lại đang diễn ra một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cán bộ thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, trong đó có ông Phó Viện trưởng Dương Ngọc Hải.
Đó là vụ việc bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết bị tạm giam 800 ngày.
Bi hài nhất là Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh (trực tiếp là ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng) liên tục ra lệnh tạm giam khi không có đủ căn cứ buộc tội bà Tuyết.
Báo chí đã vào cuộc ngay từ khi bà Tuyết bị bắt, chỉ rõ nhiều dấu hiệu bất thường trong kết luận điều tra của Công an TP.Hồ Chí Minh và lý lẽ không đủ sức thuyết phục của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Ông Dương Ngọc Hải - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh. |
Vì không có đủ căn cứ để buộc tội bà Tuyết, Tòa án đã nhiều lần trả hồ sơ lại Viện Kiểm sát yêu cầu làm rõ căn cứ truy tố.
Tuy nhiên, đã hơn 800 ngày trôi qua, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, trong đó ông Dương Ngọc Hải là người có trách nhiệm trực tiếp đã không thể đưa ra thêm được chứng cứ gì chứng minh bà Tuyết có tội theo những gì mà cơ quan này đã mặc nhiên ấn định.
Gia đình bà Tuyết đã rất nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng Trung ương cầu cứu. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh báo cáo vụ việc và làm rõ những dấu hiệu không bình thường khi truy tố bà Tuyết.
Nhưng cho tới nay đã gần 5 tháng trôi qua, vụ bắt tạm giam bà Tuyết vẫn không có lối thoát, khi mà ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP.Hồ Chí Minh cố gắng giữ quan điểm trong khi không đưa ra được căn cứ thuyết phục chứng minh bà Tuyết phạm tội.
Thậm chí, chính ông Phó Viện trưởng Dương Ngọc Hải còn đang cố “cãi trắng” cho đối tượng phạm pháp Yee Lip Chee – bị các luật sư đề nghị khởi tố và áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.
Không chỉ có nhiều sai phạm trong thu thập, sử dụng, đánh giá chứng cứ buộc tội và gỡ tội, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh còn vi phạm Hiến pháp khi công khai triệu tập "họp án" với Công an, Tòa án để "thống nhất các căn cứ truy tố" - thực chất là thuyết phục Hội đồng xét xử sử dụng các căn cứ, lập luận trái pháp luật của mình để kết tội bằng được bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết hòng thoát trách nhiệm cho mình.
Dư luận vô cùng phẫn nộ trước thái độ thiếu sự khách quan, thiếu sự công tâm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và cá nhân ông Phó Viện trưởng Dương Ngọc Hải, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi:
Phải chăng vì đã trót truy tố bà Tuyết nên Viện Kiểm sát TP.Hồ Chí Minh đang cố gắng tìm mọi cách kéo dài thời gian tạm giam hòng gây sức ép cho cá nhân và gia đình bà Tuyết, gây sức ép với Hội đồng xét xử nhắm đạt được một kết quả có lợi cho mình?
Cách hành xử của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và ông Phó Viện trưởng Dương Ngọc Hải có “vì dân” không? Hay cách hành xử này có lợi cho ai?
Vì sao các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương chưa rút vụ án này lên để sớm giải quyết, đảm bảo xử đúng người, đúng tội, đồng thời cũng không để xảy ra oan sai cho công dân?
Trong số các biện pháp ngăn chặn thì bắt, tạm giữ, tạm giam là những biện pháp mang tính cưỡng chế rất nghiêm khắc. Nếu bắt, giam giữ oan sai sẽ xâm phạm đến quyền công dân và các quyền hợp pháp của con người được pháp luật bảo hộ.
Pháp luật quy định về các biện pháp này ngày càng cụ thể và ngày càng hoàn thiện hơn, song thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn khá phổ biến: Bắt, tạm giữ, tạm giam không đúng đối tượng, không đúng thủ tục, sai thẩm quyền.
Đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ việc đã gây hậu quả nghiêm trọng đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguyên nhân đã được nhiều Đại biểu Quốc hội và các luật gia chỉ ra rằng, nhiều cán bộ thực thi công vụ chỉ tìm cách chứng minh công dân phạm tội, chứ rất ít tư duy theo hướng chứng minh không phạm tội. Bên cạnh đó còn có cả những cán bộ vô cảm với danh dự và sinh mạng của người dân nên dẫn tới lạm quyền, ra những quyết định mang tính "cưỡng bức".
Thực tế ấy một lần nữa được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Tòng Thị Phóng nhắc đến tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Phải phân loại án ngay từ khâu điều tra ban đầu cho tới kiểm soát hoạt động điều tra của Viện Kiểm sát, cố gắng tránh gia hạn tạm giam.
Bây giờ gia hạn lần thứ 1, lần thứ 2, rồi lại xin đặc biệt, theo tôi những việc đó phải cố gắng không làm. Một người bị giam thì chẳng những họ khổ mà cả gia đình họ khổ. Họ đi đi lại lại, thăm nuôi, khổ lắm. Phải công khai, minh bạch để người dân yên tâm”.
Nhà nước pháp quyền phải coi luật pháp và quyền của dân làm trọng. Mọi quy định, mọi điều luật được ban hành ra cũng là để phục vụ cho đời sống của người dân. Thế nhưng công dân bị tạm giam tới 800 ngày, và ngay cả bảo lãnh tại ngoại cũng không được xem xét đến thì đâu còn quyền của một công dân nữa?
Có lẽ hiếm có đất nước nào trên thế giới này lại có chuyện tạm giam công dân tới hơn 800 ngày như ở Việt Nam và chưa biết đến khi nào vụ việc này mới chấm dứt.
Theo GDVN