Tổ xe ôm tự quản - “hiệp sĩ xe ôm”, phường Trung Mỹ Tây (quận 12). |
“Hiệp sĩ” áo xanh
Chúng tôi tìm đến nơi, cũng là lúc một chiếc xe buýt dừng trạm, người xuống người lên nhộn nhịp, khuất lấp những bác xe ôm đồng phục với chiếc áo màu xanh. Khi xe đi, không bắt được khách họ lặng lẽ bước về quán nước ngồi. Chúng tôi lân la nói chuyện với anh Nguyễn Văn Tiến, Đội trưởng Đội xe ôm tự quản gần 10 người nơi đây.
Nước da ngăm đen, đôi tay nhiều thẹo, anh Tiến cho biết, đó là hậu quả của nghề chạy xe ôm và “chiến đấu” với bọn xì ke ma tuý mấy năm nay. “Khu vực quanh vòng xoay An Sương trước đây là một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội, từ ma túy đến trộm cắp, cướp giật”- anh Tiến mở đầu câu chuyện về cơ duyên đưa anh và đồng nghiệp đến với công việc bắt tội phạm ma túy, trộm cướp.
“Dẹp loạn bọn xấu nó như cái nghề của tôi rồi, mỗi lần nhìn thấy mấy tên đứng hút chích, trấn lột người đi đường là tôi lại không chịu được”. Anh Nguyễn Văn Tiến - đội trưởng đội xe ôm |
Gần 10 năm trước, hằng ngày trong khi ngồi đợi khách, anh Tiến và các đồng nghiệp chứng kiến nhiều cảnh hút chích công khai. Người dân khi di chuyển qua đoạn đường này đều cảm thấy bất an, không ít người bị đánh, cướp… Quá chướng mắt, anh cùng các đồng nghiệp quyết tâm “dẹp loạn” để nơi đây không còn là nỗi ám ảnh của người đi đường. Cũng từ đó, tổ xe ôm tự quản mà người dân yêu mến gọi bằng cái tên “hiệp sĩ xe ôm”.
Chị Hương, nhà ở gần cầu vượt An Sương nói, trước đây người dân nơi này mỗi lần ra đường phải “nhìn trước ngó sau” vì luôn sợ bọn xì ke xin tiền, trấn lột, nhưng giờ thì thoải mái hơn nhiều rồi.
Hiểm nguy rình rập
Thường xuyên đối mặt tội phạm, đầu gấu nên việc bị thương trong quá trình khống chế, áp giải các đối tượng này đối với các anh là chuyện thường ngày. Vừa kể cho tôi nghe về những “chiến tích” của đội, anh Tiến vừa đưa đôi bàn tay đầy thẹo của mình. “Chú nhìn hai bàn tay tôi đây, có nhiều ngón đâu co duỗi được, vì trước đây đã từng bị bọn chúng chém đứt cả gân”- anh Tiến nói.
Không ít lần anh Tiến và đồng đội xe ôm bị bọn cướp dùng dao Thái Lan chống trả, có tên dùng kim tiêm dọa trong khi cả nhóm thì chỉ tay không đối phó nên nhiều khi bị thương rất nặng. “Vừa rồi tôi còn bị chúng đâm vào đùi và bụng phải nhập viện cả tháng trời”- anh Tiến nói.
Anh Tiến cho biết, sau vụ đó gia đình cũng ngăn cản anh dữ lắm vì đôi bàn tay không còn được linh hoạt như trước nữa. Dù vậy, anh Tiến vẫn tham gia. “Dẹp loạn bọn xấu nó như cái nghề của tôi rồi, mỗi lần nhìn thấy mấy tên đứng hút chích, trấn lột người đi đường là tôi lại không chịu được”- anh Tiến chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tiến - đội trưởng đội xe ôm. |
Nói thêm về những khó khăn, nguy hiểm của các thành viên trong nhóm, anh Nguyễn Văn Hải, 43 tuổi cho biết: “Thỉnh thoảng có một số đối tượng dùng kim tiêm có virus HIV đe dọa và chống trả. Sau mỗi lần bị đâm như vậy, chúng tôi phải theo dõi và uống thuốc, nhiều khi cũng hoang mang. Rồi cũng không ít lần bọn chúng quay lại “thanh toán” khiến nhiều anh em nản chí”.
Dù vậy, anh Nguyễn Phi Long, 40 tuổi, một “hiệp sĩ” trong nhóm từng gắn bó với đội từ những ngày đầu, vẫn kêu mọi người không nhụt chí. Theo anh Long, công việc chạy xe ôm đã cần sức khỏe nhưng làm việc này càng cần sức khỏe nhiều hơn, và trên hết là phải vững tâm. Vững tâm để không lùi bước trước sự đe dọa, chống trả của tội phạm và vững tâm để không bị chúng lôi kéo, mua chuộc.
Anh Long kể: “Có lần tôi và anh Vũ (một thành viên trong tổ xe ôm), bắt được một đối tượng người Campuchia giao hàng heroin và ma túy đá ngay tại vòng xoay An Sương cho đối tượng ở Việt Nam. Bị chúng tôi bắt, chúng xin xỏ và hứa sẽ đưa toàn bộ tiền mặt, vòng vàng, tính ra cũng cả trăm triệu đồng chứ không ít. Nhưng chúng tôi kiên quyết nói không, mang chúng tới giao cho công an quận 12 giải quyết”.
Chật vật kiếm sống
Hồ hởi kể về chiến tích nhưng khi chúng tôi hỏi về cuộc sống thường nhật của các anh em trong nhóm “hiệp sĩ”, anh Tiến trầm ngâm: “Cũng khó khăn lắm. Tôi thì nuôi mẹ già, hai đứa con một đứa lớp 9, một đứa lớp 6. Vợ làm nghề may thu nhập chẳng đáng là bao. Các anh em khác cũng chẳng khá giả hơn gì”.
Nghề chạy xe ôm vốn dĩ thu nhập đã thấp, các anh lại còn bỏ thời gian để theo dõi bọn mua bán ma túy, trộm cắp nên có khi cả tuần chẳng kiếm được đồng nào. Anh Công, một “hiệp sĩ” trong nhóm chia sẻ: “Ngoài những giấy khen của thành phố, quận, phường về thành tích phòng chống ma tuý, trộm cướp… trong gia đình tôi chẳng có thứ gì đáng giá cả”.
Cuộc sống với gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày vẫn đè nặng lên đôi vai các anh. Thế nhưng, khi tôi hỏi có khi nào các anh muốn bỏ “nghề hiệp sĩ” này không thì tất cả đều nói: “không”.
Trung tá Trần Văn Hải, Trưởng Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ xe ôm mà công an phường đã bắt và xử lý được rất nhiều đối tượng mua bán, sử dụng, tàng trữ chất ma túy và ngăn chặn nhiều tệ nạn khác. Thế nhưng, hiện tại theo ông Hải các anh vẫn chưa có mức hỗ trợ nhất định, ngoài phần đóng góp của phường khi các thành viên trong tổ gặp nạn. “Đó là điều mà chúng tôi luôn trăn trở”, ông Hải chia sẻ.
“Hiệp sĩ xe ôm” ra đời từ năm 2008, với 10 thành viên, đến nay các anh đã phối hợp với lực lượng Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12 cùng đấu tranh phòng chống hơn 1.000 vụ buôn bán ma túy, mại dâm, cướp giật…Từ một điểm nóng về ma túy, giờ đây vòng xoay An Sương không còn là nỗi ám ảnh và lo ngại của mọi người. |
Theo Tiền Phong