Một xe tải nhỏ nhưng chứa hàng trăm thứ hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cho người Lào được dân Diễn Tháp chuẩn bị đủ đầy. |
Đến hẹn… lại đi
“Mùa này anh ấy đi có lẽ hơi lâu đấy. Nhanh cũng dăm tháng rồi về tạt qua nhà gom hàng hóa tiếp rồi lại biền biệt xa quê. Con nhớ bố, vợ nhớ chồng nhưng vì mưu sinh nơi xứ lạ nên chúng tôi quen dần cảnh thiếu hơi nhau rồi”, chị Nguyễn Thị Lý, thôn 2 Diễn Tháp chia sẻ.
Lý, 22 tuổi nhưng đã có hai đứa con đang bập bẹ đến trường. Lý vừa gom hàng cho chồng, gồm tất tần tật: ấm chén, bát đũa, nồi niêu, xô chậu, bàn ghế… “Cuộc sống thường ngày chúng ta cần gì thì người dân bên Lào cần vậy. Và, hàng ngàn người dân Diễn Tháp đáp ứng nhu yếu phẩm một cách trọn gói phục vụ nhân dân nước bạn Lào từ Nam tới Bắc”, anh Nguyễn Xuân Đài thôn 3, Diễn Tháp thông tin.
Diễn Tháp nằm ở phía tây huyện Diễn Châu, liền kề với xã Đô Thành của huyện Yên Thành thời điểm này là cao điểm hàng ngàn người con quê hương rời nhà đi làm ăn viễn xứ. “Mâm cơm cúng rằm vừa cất vội đã phải huy động cả nhà ra đường chất hàng, gom khách và chuẩn bị cho chuyến hành trình đưa lao động sang Lào vào ngay đêm rằm tháng Giêng này”, chị Minh, thôn 3, xã Diễn Tháp nói.
Từ năm 1990 về trước, Diễn Tháp là một địa phương thuần nông với duy nhất một nghề đúc đồng bán dạo, xung quanh chỉ là những cánh đồng khô cằn, người dân luôn đối mặt với mất mùa và đói khát. “Do nghèo khổ nên trong làng có người phiêu bạt sang Lào kiếm sống. Có cái ăn rồi họ dìu dắt và bấu víu nhau lần lượt gom hết cả làng sang Lào và câu trả lơi là sự no đủ và làng xóm khang trang: Nhà nhà đua nhau dựng biệt thự, đi xế xịn và thành phong trào cùng nương tựa nhau làm ăn giàu có như Diễn Tháp ngày nay”, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, ông Đậu Xuân Mạnh cho biết.
Theo giới thiệu của vị Phó chủ tịch những cái tên như Nguyễn Thanh (xóm 2), Nguyễn Xuân (xóm 3), Nguyễn Cường (xóm 2)… là những hộ gia đình có thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm từ việc kinh doanh thương mại sang Lào. Tại làng Diễn Tháp họ chính là những vị đại gia đi xế xịn và ở biệt thự hàng trăm tỷ đồng. “Có một điều đáng ghi nhận ở mấy vị đại gia này đó là đưa hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động là con em trong làng sang Lào mưu sinh chân chính cải thiện cơ bản cuộc sống hiện tại…”, ông Mạnh cho biết.
Xe chất hàng, xe chở người đậu kín dọc tuyến đường liên xã Diễn Tháp để bắt đầu cho mùa viễn xứ nơi đây. |
Theo ông Mạnh, cả chục năm nay rồi, dân Diễn Tháp chỉ có thể trở về nhà sau 20 tháng Chạp và ra đi ngay trong đêm rằm tháng Giêng. Xây biệt thự nhà lầu để đó, ở nhà chỉ có ông bà già và các cháu nhỏ trong độ tuổi đến trường, còn bố mẹ thì biền biệt đi kiếm tiền từ Bắc chí Nam nước bạn và trở về sum vầy bên gia đình vội vàng trong cái Tết cổ truyền đầy lưu luyến đó.
Mưu sinh trên hết
Thống kê tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An) cho thấy, xã này chỉ còn 2,34% dân thuộc diện nghèo và cận nghèo rơi vào các hộ đặc biệt như tật nguyền, neo đơn không có khả năng lao động. Toàn xã có gần 2.000 hộ có người xuất cảnh sang Lào, với hàng ngàn người từ lao động chính đến giúp việc, phụ trợ…
Từ nguồn thu nhập từ kinh doanh, thương mại linh hoạt, đa dạng tại Lào, người dân Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An) đã biến vùng quê nghèo bản xứ thành một trong những xã giàu nhất xứ Nghệ. “Nhà tôi có 3 đứa con học đại học ra trường nhưng không xin được việc đành dúi bằng đỏ vào góc học tập để theo bố đi buôn kiếm sống”, ông Hồ Thế Mạnh, xóm 2 Diễn Tháp nói.
Với “kinh nghiệm” hàng chục năm chinh chiến đường trường trên nước bạn, ông Hồ Thế Mạnh chia sẻ: “Kiếm được đồng tiền viễn xứ mang về nhiều lúc cũng bầm dập, nhuốm cả máu và nước mắt mới vẹn toàn. Bên Lào chuộng nhất ở mình là nghề xây dựng, vật liệu xây dựng là mặt hàng đang hót bên đó nên dù là anh em cùng làng nhưng vẫn xảy ra việc cạnh tranh buôn bán, cạnh tranh các mối làm ăn”.
Lãnh đạo UBND xã Diễn Tháp cho biết thêm, toàn xã có khoảng 80% con em học đại học, cao đẳng ra trường rồi khó xin việc, thế là theo cha, anh sang Lào kiếm sống.
Chị Nguyễn Thị Dung, trưởng thôn 2, Diễn Tháp tâm sự: “Chồng tôi cũng là người biền biệt xứ Lào kiếm ăn cùng với các con và anh em họ hàng, vứt hết việc nhà và chăm bố mẹ già cho vợ. Thế nhưng, tôi có nguyên tắc, con cái phải học hành đầy đủ, không vì cái lợi trước mắt mà bỏ bê, hụt kiến thức được. Học xong rồi đi kinh doanh, buôn bán cũng tốt”.
Theo chị Dung, tại địa phương này, bây giờ con em học lên cấp 3 rất ít. Chỉ đến lớp 9 là bỏ học theo bố mẹ xuất sang Lào làm ăn vì họ cho rằng, học đại học mà không xin được việc làm chỉ thêm tốn kém, nghèo lại hoàn nghèo.
Giàu ngỡ ngàng
Những ngày này, tại trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Nghệ An) có đến hàng vạn người dân đến làm thủ tục cấp đổi hộ chiếu, giấy thông hành, trong đó con em Diễn Châu, Yên Thành chiếm đến phân nửa. “Chúng tôi lọ mọ đến Vinh lúc 3h sáng, chen lấn mãi đến tận 2 giờ chiều mới đến lượt mình vào làm giấy thông hành sang Lào làm việc”, anh Nguyễn Phi Long, xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) cho biết. Đa số người đến làm thủ tục xuất nhập cảnh là lao động phổ thông, nơi đến là các nước giáp đường biên.
Hối hả gom hàng xuất hành theo người sang nước bạn Lào kiếm sống. |
Thượng tá Tô Hữu Trí, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Nghệ An) thông tin: “Hàng năm số người làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Lào luôn trong tình trạng quá tải do nhu cầu quá lớn. Dự kiến đợt làm thủ tục xuất cảnh kéo dài khoảng 20 ngày, mở rộng địa điểm tiếp nhận và phải huy động 100% cán bộ của phòng nhưng vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy”.
Là một xã nằm liền kề với xã Diễn Tháp (Diễn Châu) - Đô Thành (Yên Thành) cũng đang dần giàu lên bởi lượng con em trong xã theo chân người quen xã bạn sang Lào làm thuê kiếm sống. Ban đầu là nghề buôn đồng nát, họ chỉ đi thu gom ở các huyện xã trên địa bàn tỉnh rồi sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc nước bạn. Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về lại được tập kết ở các đại lý của Diễn Hồng (xã cạnh đó). Sau công đoạn qua phân loại, tái chế phế liệu được đưa trở lại Lào bán. Dần dần, Diễn Tháp, Đô Thành phất lên nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất Nghệ An.
Theo thống kê tại hai xã này, hiện trên địa bàn xã có hàng trăm hộ giàu kèm theo đó là biệt thự cùng nhiều ôtô các loại. Trong đó nhiều ôtô tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng cũng được các đại gia vùng này mạnh tay chi tiền sở hữu.
Về mảnh đất xứ Nghệ, hỏi thăm làng biệt thự không ai là không biết. Nơi đây đã quá nổi tiếng về độ giàu có, từ đầu đến cuối các làng ở Diễn Tháp, chi chít những ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỷ, xe hơi đậu dài thành hàng hơn phố xá. Nếu chỉ nhìn vào sự phồn hoa hiện tại, ít ai ngờ được rằng, trước đây, vùng đất này là nơi đồng không mông quạnh, quanh năm nước ngập. Người dân Diễn Tháp hầu hết làm nông, mỗi nhà được vài ba sào ruộng khoán nên dân ở đây quanh năm thiếu ăn nghèo xơ nghèo xác.
Hiện thời, giá đất mặt đường từ đầu đến cuối xã đội giá lên đến 1 tỷ đồng/mét (mét ngang mặt đường). Số ngân hàng tìm đến kết nối trên 10 ngân hàng khắp cả nước. Dân vay vốn làm ăn rất dễ, họ trả nợ ngân hàng cũng sòng phẳng.
Chưa biết độ chính xác đến đâu, nhưng có chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, Diễn Tháp là một trong những làng giàu nhất Việt Nam. Chỉ khoảng 15 năm lại đây, bằng nghề buôn bán thu mua phế liệu, buôn bán vật liệu xây dựng, vận chuyển nhu yếu phẩm sang Lào mà vùng quê này giàu lên nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều đại gia, cùng hàng loạt biệt thự khủng, xe sang… |
Theo Tiền Phong