Giải mã chiến lược ‘bành trướng lắt léo’ kiểu Trung Quốc

Thứ hai, 29/02/2016, 11:08
“Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa” - GS Alexander Vuving.

Sau sự kiện Trung Quốc (TQ) đưa tên lửa tầm xa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN), nhiều chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

GS Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), lại có nhận định khác.

“TQ sẽ không lập ADIZ ở Biển Đông”

Phóng viênThưa ông, việc TQ tiến hành tuần tra liên tục cũng như tăng cường các cơ sở nhân tạo không chỉ ở Trường Sa mà gần đây còn xây căn cứ trực thăng, điều tên lửa, máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của VN) cho thấy viễn cảnh gì sắp diễn ra trong năm 2016-2017 sắp tới?

GS Alexander Vuving: Vừa qua TQ đã xây đảo nhân tạo, sân bay, cầu cảng ở các nơi họ chiếm đóng trên Biển Đông. Rồi họ sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở vật chất, các công trình lưỡng dụng cho cả dân sự và quân sự.

Năm qua TQ đưa máy bay quân sự ra Hoàng Sa, đầu năm nay bay thử máy bay dân dụng ra Trường Sa, sau đó đưa tên lửa phòng không tầm xa ra Hoàng Sa. Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa, sẽ đưa tàu hải cảnh, tàu chiến, kể cả tàu ngầm ra Trường Sa.

TQ đã và đang xây radar trên các đảo họ chiếm đóng ở Trường Sa. Họ đã có pháo phòng không tầm thấp ở Trường Sa nhưng sau này có khả năng họ sẽ lẳng lặng đưa cả tên lửa phòng không tầm xa ra Trường Sa.

Nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, nhất là sau sự kiện Bắc Kinh điều tên lửa tầm xa ra Hoàng Sa, sẽ tiến hành tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quan điểm của ông như thế nào về những dự báo như thế?

Nhiều khả năng TQ sẽ không tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, nếu có chỉ lập ở khu vực Hoàng Sa. Bởi TQ đã học được bài học sau khi lập ADIZ Hoa Đông, bị phản ứng mạnh mẽ mà không được lợi gì nhiều trên thực tế.

Nếu lập ở Biển Đông, phản ứng sẽ mạnh hơn, đổ vỡ quan hệ với ASEAN. Nhưng vì TQ đơn phương cho rằng bên trong đường lưỡi bò là lãnh thổ TQ và với bốn sân bay dài 3km ở Hoàng Sa và Trường Sa cùng với các giàn tên lửa có khả năng bắn xa 200 km, TQ nghĩ rằng tiến tới đây, họ trở thành nước duy nhất có khả năng thiết lập vùng cấm bay trên phần lớn bầu trời Biển Đông.

Trên bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa, đâu là những “chốt” quan trọng mà theo ông TQ có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động “quân sự hóa” và tăng cường kiểm soát trong thời gian tới?

Cho đến cuối năm 2016, TQ sẽ hoàn thành hai đường băng mỗi cái dài 3km trên hai đảo nhân tạo ở Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - NV). Do đã có tính toán ngay từ khi chiếm đảo cách đây hơn 20 năm, cả bảy thực thể mà TQ chiếm đóng (trái phép - NV) ở quần đảo Trường Sa đều nằm ở những vị trí chiến lược.

TQ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 nhưng họ chưa xây dựng hết các thực thể mà mới chỉ tập trung phát triển một số vị trí quan trọng, đặc biệt là đảo Phú Lâm.

TQ sẽ tiếp tục xây dựng các công trình quân sự và các cơ sở lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự) trên bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và một số đảo nhân tạo trên quần đảo Hoàng Sa.

Cuối tháng 1-2016, TQ đã tăng cường số lượng tàu giả dạng tàu cá ở khu vực Ba Kè thuộc mép ngoài vùng đặc quyền kinh tế của VN. TQ có thể đang có kế hoạch gây hấn hoặc xây dựng cấu trúc cố định trên một số bãi cạn ở khu vực Ba Kè.

TQ tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông khi triển khai máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của VN). Ảnh: XINHUA

Chiến lược “bành trướng lắt léo”

TQ sẽ tận dụng các căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng bán quân sự, cũng như cầu cảng, sân bay,... ở các đảo nhân tạo như thế nào để kiểm soát Biển Đông?

Các hoạt động TQ thực hiện trong suốt những năm qua không phải mang tính bột phát mà nằm trong một chiến lược bao trùm mà tôi gọi là “bành trướng lắt léo”. Chiến lược này có bốn nội dung cốt lõi.

Một là, tránh xung đột vũ trang, chỉ gây chiến khi tình hình rất thuận lợi, ví dụ như có khoảng trống quyền lực trong vùng.

Hai là, chiếm các địa điểm chiến lược một cách âm thầm hoặc thông qua xung đột nhỏ cục bộ. TQ đã theo đúng hai nội dung này khi chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa của VN và bãi đá Scarborough của Philippines. Sau này nếu TQ chiếm thêm các vị trí khác thì cũng không nằm ngoài hai nội dung trên.

Ba là, xây dựng các vị trí chiến lược mà họ chiếm đóng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành các cơ sở hậu cần, các căn cứ tiền phương và các cứ điểm mạnh để từ đó bằng các loại tàu thuyền, máy bay, tên lửa vươn ra kiểm soát phần lớn Biển Đông ở cả ba chiều trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước. Đây chính là điều nổi bật của những gì họ đang làm trong mấy năm lại đây.

Bốn là, truyền bá tư tưởng cho rằng TQ chỉ phản ứng tự vệ, TQ sẵn sàng trả giá cao, TQ không sợ đụng độ. Tư tưởng này nhằm bẻ gãy lý luận và ý chí của đối phương.

Với bốn nội dung cốt lõi này, TQ đã khá thành công trong kế hoạch bành trướng lắt léo ở Biển Đông cho tới lúc này và họ sẽ tiếp tục theo đuổi các nội dung này trong tương lai.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của thực trạng kiểm soát của TQ tại Biển Đông đối với an ninh của các nước láng giềng, đặc biệt là VN?

Việc TQ xây đảo nhân tạo, xây đường băng máy bay, hải cảng, bố trí các trạm radar ở quần đảo Trường Sa, đưa tên lửa ra Hoàng Sa, đồng thời tăng cường nhiều tàu chiến, tàu chấp pháp và kể cả tàu cá giả dạng ra Biển Đông đã gây tổn hại lớn đến an ninh của các nước láng giềng, không chỉ VN mà cả Philippines và Malaysia.

Những vùng trời, vùng biển còn tương đối an toàn đối với các nước này ngày càng bị thu hẹp và có khả năng tiếp tục bị thu hẹp một cách nhanh chóng trước một TQ toan tính “bành trướng lắt léo” từ suốt nhiều năm trước, kéo dài đến nhiều năm sau.

“Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa” - GS Alexander Vuving.

Phải “chơi cờ vây” với TQ

- Viễn cảnh sắp tới sẽ rất phức tạp cho an ninh Biển Đông khi khu vực này bị TQ đơn phương kiểm soát mạnh mẽ?

Điều gì sẽ diễn ra trong thời gian tới không chỉ phụ thuộc vào hành động đơn phương của TQ mà còn phụ thuộc hành động đáp trả của các nước khác. Tuy nhiên, dù thế nào thì trong hai năm tới tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng.

Lý do là vì TQ từ lâu muốn độc chiếm Biển Đông, mà nay họ có lực thì họ sẽ lấn tới. Nếu các nước phản ứng yếu thì họ càng lấn lướt. Nếu các nước phản ứng mạnh thì căng thẳng cũng sẽ phải lên cao một thời gian rồi mới có thể dịu đi.

Làm thế nào để các nước láng giềng liên quan đến tranh chấp Biển Đông có thể tạo sức ép buộc TQ xuống thang, giải tỏa nỗi lo về an ninh?

Nếu đối phó theo phương thức trực tiếp thì chỉ có “ăn miếng trả miếng” mới buộc TQ phải xuống thang. Nhưng cho đến nay, nhìn chung các nước vẫn lo ngại căng thẳng leo thang thành xung đột lớn.

TQ biết vậy nên càng lấn lướt. Cũng có thể đối phó theo phương thức gián tiếp như chơi cờ vây. Mới đây Mỹ và ASEAN đã ra tuyên bố chung về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Đây là một nước cờ vây thiết lập sân chơi cho một trật tự khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những bước đi như vậy thì chưa đủ. Còn cần nhiều nước cờ vây quả quyết hơn nữa, theo hướng hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác với VN, Philippines, Malaysia.

Theo PLO

Các tin cũ hơn