Vườn thú quý hiếm giữa cánh đồng
Ngày 27.2, hai nông dân ở Bàu Công gửi đơn kêu cứu đến Văn phòng Sông Tiền, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt - chuyện bị một doanh nghiệp “xù” tiền lương.
Theo đơn, ông Phan Văn Đực (sinh năm 1968) và Trần Văn Vinh (sinh năm 1958) từng là nhân viên bảo vệ của Vườn thú Mỹ Quỳnh (ấp Bàu Công, huyện Đức Hòa).
Tháng 10.2015, giám đốc công ty này cho rằng ông Đực và Vinh làm mất khoảng 1.000 lít xăng nên cho nghỉ việc và không trả lương. “Lương của chúng tôi là 3 triệu đồng/tháng. Có tất cả 3 người bị cho nghỉ việc, mỗi người bị mất 1 tháng lương. Chúng tôi là nông dân nghèo, khiếu nại đòi lương một phần vì chén cơm manh áo, một phần là vì danh dự, vì chúng tôi không trộm cắp” - ông Đực nói.
Tê giác được nuôi, thả trong vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An). |
Không chỉ tê giác, còn nhiều động vật hoang dã khác như hổ, sư tử cũng được nuôi tại đây |
Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), vào cuối năm 2014 có 174 cá thể hổ bị nuôi nhốt trong các trang trại và vườn thú, trung tâm cứu hộ trong cả nước. Đối với gấu, năm cao điểm của tình trạng nuôi nhốt gấu là 2005, khi có hơn 4.300 cá thể gấu được phát hiện nuôi nhốt tại các trang trại trên cả nước. Hầu hết những cá thể gấu này đều bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các trang trại. Sau 10 năm, đến năm 2015, với nỗ lực của các cơ quan chức năng nên tình trạng nuôi nhốt gấu đã giảm tới 72% nhưng cả nước vẫn còn 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt. |
Từ đơn kêu cứu của các nông dân này, nhóm phóng viên đã về Đức Hòa và phát hiện chuyện động trời ở vườn thú này khi nuôi nhốt những loài thú hiếm như tê giác, cọp, sư tử đơn giản như cách nông dân thả rông gà vịt...
Theo hồ sơ, cuối tháng 2.2014, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Vườn thú Mỹ Quỳnh tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa với vốn đầu tư của dự án dự kiến là 280 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu từ năm 2012 và dự kiến khai trương vào năm 2017. Theo quy hoạch này, Vườn thú Mỹ Quỳnh là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động thực vật trong nước và các nước trên thế giới.
Khu vườn thú phân ra 3 khu lớn gồm: Đảo tê giác và chim; khu họ mèo lớn, gấu và bò sát và khu thú móng guốc.
Trên website, Vườn thú Mỹ Quỳnh định hướng sẽ là khu Safari đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức và quản lý theo mô hình quốc tế với hơn 3.000 động vật hoang dã đến từ châu Phi, Việt Nam và các nước khác.
Theo đó, muốn đến vườn thú này phải băng qua những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, qua nhiều đám ruộng. Khu vực nuôi nhốt thú nằm cạnh hai dãy nhà xưởng rộng hàng chục ngàn mét vuông.
Giữa tiếng máy móc chạy ầm ầm bên trong nhà xưởng, bên ngoài là đoàn xe ben chạy tung bụi mù mịt, những con thú nhốt bên trong thỉnh thoảng lại kêu inh ỏi.
Đột nhập chuồng tê giác
Băng qua kho hàng hóa khổng lồ chứa đầy máy móc đã qua sử dụng, rồi băng tiếp qua một khoảng sân dài chừng 100m, chúng tôi đến được khu vực nuôi tê giác.
Chúng tôi không thể tin được vào mắt mình khi bức tường trại tê giác tiếp giáp khu nhà xưởng chỉ cao hơn 1m (các bức tường còn lại cao khoảng 4m). Và, cánh cổng mở tênh hênh! Cứ thế, các phóng viên chỉ việc... bước vào cổng.
Bên trong, 5 con tê giác lớn đang đi loanh quanh trong khuôn viên khoảng 2ha. Có 3 con đứng gần cái chòi lá cùng vài con heo, một con đứng trong vũng nước nông choẹt, áng chừng không ngập qua móng chân tê giác.
Một con khác đứng gần cái chòi lợp tôn cùng vài con gà. Những con tê giác này làn da khô ran vì không có chút bùn nào dính vào người. Mặt đất khu vực tê giác đất cũng khô ran. Không có bất kỳ ngọn cỏ nào mọc được trên mặt đất.
Chúng tôi đếm thử cả khu chỉ có vài cái cây con con, lưa thưa lá. Cùng với mấy con heo, gà, thức ăn cho tê giác là một đống cỏ cắt nhuyễn nằm trên mặt đất, có vẻ như được trộn với cám hay một loại ngũ cốc nào đấy.
Theo quan sát của phóng viên, bầy tê giác này hoàn toàn có khả năng đi ra khỏi chuồng theo con đường mà phóng viên đã vào, tức bước qua cánh cổng mở sẵn, đi ngang khu nhà xưởng có đông công nhân đang làm việc và sẽ ra ngoài.
Chúng tôi đi loanh quanh trong khu nuôi tê giác vài phút, quay phim, chụp hình sau đó chuyển qua khu vực nuôi sư tử và hổ.
Một bảo vệ ở Vườn thú Mỹ Quỳnh cho biết, bầy tê giác ở đây ăn cỏ do một số nông dân ở Tây Ninh cung cấp. Riêng cọp và sư tử, thức ăn là thịt mua ngoài chợ, do hai thiếu niên chăm sóc.
Muốn nuôi kiểu gì cũng được!
Ông Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn nào về nuôi hổ, voi hay tê giác, nói chung là động vật hoang dã quý hiếm, nên các chủ nuôi nhập về muốn nuôi kiểu gì thì nuôi. Với tê giác, môi trường sống phải có nơi trú ẩn, phải có nơi bơi, và không thể ở suốt ngoài nắng. “Nhóm chuyên gia chúng tôi đã có vài cuộc họp để đưa ra quy chuẩn tối thiểu về nuôi dưỡng động vật hoang dã và vận động Bộ NNPTNT tham gia cùng chúng tôi nhằm ban hành quy chuẩn rõ ràng hơn về nuôi dưỡng động vật hoang dã”. |
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lâm Phúc Hoành - Giám đốc Vườn thú Mỹ Quỳnh chỉ đồng ý nói về chuyện “mất cắp”. “Vụ việc này Công an xã Tân Mỹ đang giải quyết. Các bảo vệ này phải chịu trách nhiệm trong vụ mất xăng vì họ câu kết cho đối tượng bên ngoài vào lấy trộm. Còn việc nuôi tê giác, tại sao các anh lại quan tâm. Tôi không trả lời vì tôi không phải là người phát ngôn”.
Bà Huỳnh Thị Phép - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Long An cho biết: “Vườn thú Mỹ Quỳnh đã nộp hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa báo cáo đã thực hiện xong hay chưa nên sở vẫn chưa phê duyệt hồ sơ”.
Những thông tin liên quan đến việc Vườn thú Mỹ Quỳnh có đủ điều kiện nuôi động vật hoang dã hay không; việc nuôi tê giác, sư tử, hổ có đúng quy trình hay không; nguồn gốc; mức độ an toàn thế nào đối với người dân sống chung quanh..., phóng viên đã đặt ra với một lãnh đạo của tỉnh Long An. Ông này xin khất và cho biết sẽ trả lời sau khi có cuộc kiểm tra chính thức Vườn thú Mỹ Quỳnh vào ngày hôm nay 29.2.
Kiến nghị cấm tuyệt đối nuôi nhốt động vật hoang dã Chiều 28.2, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (ảnh) – Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã hiện nay. Thưa ông, theo quy định hiện nay của Việt Nam các loại động vật hoang dã như hổ, tê giác... có được nuôi nhốt không? - Hiện nay Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế về quản lý các loại động vật hoang dã. Và để bảo tồn đa dạng sinh học, đối với các động vật hoang dã quý hiếm vẫn được Nhà nước cấp phép cho nuôi và việc cấp phép thuộc các đơn vị quản lý kiểm lâm sở tại. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, một số quy định về bảo vệ động vật hoang dã hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn; việc quản lý nhà nước về đa dạng sinh học được giao cho Bộ TN-MT và Bộ NNPTNT cùng đảm nhiệm, dẫn tới công việc, chức năng đôi khi bị chồng chéo. Những trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã như ở Long An sẽ bị xử lý thế nào? - Với việc nuôi nhốt tê giác như... gà ở Long An mà Báo NTNN phản ánh, theo tôi cần kiểm tra xem có được cấp phép hay không. Nếu nuôi nhốt không được cấp phép và không chứng minh được nguồn gốc, theo quy định sẽ bị tịch thu và xử phạt theo quy định hiện hành. Theo ông, việc vẫn cho phép nuôi nhốt động vật hoang dã như hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy gì? - Nếu không kiểm soát được, tôi nghĩ hệ lụy rõ nhất là dễ bị lợi dụng vì mục đích kinh tế, gây hại cho động vật quý hiếm và có thể nguy hiểm cho con người. Sắp tới, khi chỉnh sửa các quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Đa sạng sinh học, chúng tôi sẽ kiến nghị đối với các động vật nguy cấp, quý hiếm sẽ cấm tuyệt đối, không cho nuôi nhốt nữa. Mục đích của nuôi nhốt vẫn là vì kinh tế. Doanh nghiệp cứ khai báo là bắt được ở chỗ này ở chỗ khác và xin nuôi nhốt nhằm cho các động vật phục hồi để bảo vệ đa dạng sinh học. Thế nhưng, có thực tế là nhiều trường hợp lợi dụng các giấy phép được cấp để vận chuyển, buôn bán và cả nuôi nhốt vì mục đích kinh tế. Đây là những điều phi lý, cần phải hạn chế ngay nhằm bảo vệ các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Cảm ơn ông! |
Theo Dân Việt