Theo khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) với 90 doanh nghiệp trên cả nước thuộc các ngành dệt – may da giày, chế biến, giao thông vận tải, dịch vụ thương mại, cơ khí... cho thấy, tiền lương tối thiểu của người lao động chỉ đảm bảo 60% mức sống tối thiểu. Do vậy công nhân buộc phải từng ngày, từng giờ vắt sức để kiếm sống.
Chị Lê Thị Thanh, công nhân may mặc của một nhà máy ở khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) cho biết: "Lương cơ bản hàng tháng của em được 2,7 triệu đồng, trong khi đó em vừa phải nuôi mình, vừa phải gửi tiền hàng tháng về lấy thuốc cho mẹ ở Quảng Bình. Không đủ tiền, em phải xin tăng ca, mỗi ngày thêm 3 tiếng, cũng được hơn 1 triệu. Vào ngày Chủ nhật, Thanh phải phụ thêm ở quán ăn để kiếm thêm tiền”.
Tương tự hoàn cảnh của chị Thanh, để có đủ tiền nuôi 2 đứa con, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi, anh Nguyễn Văn Chung (Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) cũng phải tăng ca kiếm thêm thu nhập.
Lương không đủ sống, công nhân đành phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập
Anh cho biết, hết giờ làm việc chính thức, vợ anh về trước để đón con còn anh phải tăng ca đến 23h. Về đến nhà hôm nào cũng mệt nhoài, có hôm mệt quá, nằm lăn ra ngủ luôn mà không kịp ăn tối. Vất vả là vậy nhưng thu nhập của hai vợ chồng cũng chẳng đủ, vào ngày nghỉ Chủ nhật, anh Chung phải tranh thủ chạy thêm xe ôm để kiếm thêm tiền đóng học phí cho con.
Số liệu của Viện Công nhân – Công đoàn cho thấy, hiện nay có tới 94,5% người lao động phải làm thêm giờ, trong đó số người làm thêm từ 1,5 giờ trở lên chiếm hơn 35%. Điều đáng nói là số lao động này chủ yếu rơi vào các công việc cần nhiều sức lực. Thậm chí có doanh nghiệp người lao động phải làm thêm tới hơn 600 giờ/năm, tức là vượt mức cho phép tới 3 lần.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Công đoàn công ty ở các khu Công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, phải làm thêm quá sức lực cho phép của mình xuất phát từ việc các công ty trả mức lương quá thấp so với thực tế chi tiêu của họ.
Để "vắt” sức lao động của công nhân, họ xây dựng một định mức cao rồi thực hiện khoán lương cho từng người, thậm chí là họ tách riêng tiền lương, tiền phụ cấp ra để dễ dàng trong việc điều chỉnh nó.
Doanh nghiệp thường chỉ tập trung làm sao chi phí thấp mà hiệu quả cao nhất, và để đảm bảo năng suất và số lượng sản phẩm đòi hỏi họ phải tuyển thêm người, nhưng nếu tuyển thêm họ sẽ phải đóng thêm bảo hiểm xã hội và các khoản phụ cấp khác cho nên cách tốt nhất là trả lương thấp, tăng giờ làm.
Theo ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cực chẳng đã họ mới làm thêm vì đồng lương thấp, không đảm bảo cuộc sống, nhất là nhưng công nhân phải xa gia đình, họ phải lao động cực nhọc để trang trải cho cuộc sống, và tằn tiện tích góp từng đồng để gửi về cho gia đình.
Ngoài ra, một nguyên nhân của việc họ trả lương thấp là do mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định thấp, doanh nghiệp thường "vin” vào cái cớ đó để trả, thậm chí là không ít doanh nghiệp còn tự hào là mình đã trả cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Lương không đủ sống nhiều công nhân ở các khu công nghiệp đã phải bỏ nhà máy để tìm kiếm một việc làm khác. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, ở TP.Hồ Chí Minh có hơn 20% công nhân bỏ việc, trong đó, công nhân bỏ việc tại các KCN – KCX với con số 25.000 người (chiếm 11%). Nạn nhảy việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp trở nên thiếu hụt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho biết, lương thấp, giá cả tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng đến biến động lao động, số lượng lao động nghỉ việc đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng cao đã phần nào nói lên điều đó.