Những người, những hộ đói kinh niên

Thứ ba, 12/06/2012, 15:56
Năm 2002, Tổ chức Hành động cứu trợ của Anh ở Việt Nam (Action Aid Việt Nam) phối hợp với Viện Kinh tế của ta (trực thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) điều tra, nghiên cứu những người cùng khổ, dưới mức nghèo mà nhóm nghiên cứu Anh – Việt gọi là "những hộ đói kinh niên” ở Việt Nam.
 
Có những cách hiểu biết khác nhau về "hộ đói kinh niên”. Ở Việt Nam thường coi được ăn no chất bột là không còn đói nữa nhưng trên thế giới nhiều nơi lại quan niệm khác. Họ coi dù ăn no chất bột nhưng không đủ chất dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe để tái sản xuất sức lao động cùng với nơi ở quá tồi tàn, tạm bợ, chật chội thì cũng vẫn thuộc tình trạng "đói kinh niên”.

Hoặc thu nhập bấp bênh không đủ tiền mua lương thực, thực phẩm trên thị trường, không đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của các thành viên trong gia đình cũng thuộc diện "hộ đói kinh niên”. Nhóm nghiên cứu Anh-Việt đã chọn 6 tỉnh, thành phố trên cả nước để điều tra nghiên cứu là Lai Châu, Sơn La, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Trà Vinh, TP.Hồ Chí Minh.
 


Công nhân lao động vẫn phải đắn đo trước mua những thực phẩm đơn giản nhất
 
Trong các thành phố chỉ có TP.Hồ Chí Minh được chọn để nghiên cứu "hộ đói kinh niên”. Ở Saigon từ thời Pháp đô hộ, riêng khu Sở Thùng tại phường 11 và 12 quận Bình Thạnh tập trung dân di cư từ các tỉnh về có tới 10.000 người làm nghề nhặt rác thải. Một nghề cho là mạt hạng cũng phân ra mấy tầng lớp.

Thứ nhất là chủ vựa rác thuê người phân rác thành các loại. Tiếp đến những người có tiền nhận thầu với Công ty vệ sinh cả đoạn phố hoặc bãi rác. Tầng lớp thứ ba là khu gom rác của những người nhặt rác rong. "Đói kinh niên” trong nghề nhặt rác thuộc tầng lớp thứ tư của xã hội làm công việc nhặt rác ở cụm dân cư.
 
Khi chuyển sang kinh tế thị trường, các ngành nghề phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) mọc lên thu hút nhiều lao động ở nông thôn về thành phố Hồ Chí Minh, lao động có gia đình ở thành phố chỉ chiếm khoảng 30%.

Lương thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu, những người lao động di cư lại còn phải thuê nhà trọ, đồng lương càng hết sức eo hẹp. Năm 2005, 2006, báo chí nói đến chợ chiều, chợ sẩm tối họp vào cuối ngày để tiêu thụ nốt những thực phẩm kém chất lượng còn ế đọng, như thịt, cá đã ôi thiu giá bán chỉ còn bằng nửa buổi sáng khi còn tươi ngon.

Người đến chợ cuối ngày dần dần chiếm số đông là công nhân, lao động các KCN, KCX. Họ lao động cực nhọc,mệt mỏi, đuối sức, rất thèm được bồi dưỡng thịt, cá nhưng tiền lương còm cõi chỉ có thể mua theo giá "ôi thiu” .
 
Sau năm 2008, 2009 lạm phát cao hơn hẳn trước. Lương tăng không theo kịp tốc độ giá, công nhân càng khó có đủ tiền thỉnh thoảng được bữa thịt, cá ôi thiu, bữa cơm chỉ còn rau, đậu, trứng là cùng. Ăn đã "bóp mồm, bóp miệng”; chỗ ở còn gian nan gấp bội với công nhân có gia đình ở nông thôn.

Ở một số doanh nghiệp (DN), công ty, số công nhân ngoài thành phố chiếm đến 85%. Trong số 1.6 triệu công nhân, lao động tại 170 KCN và KCX trên cả nước, có đến 52% phải thuê nhà trọ, chất lượng rất thấp, bình quân 2 hoặc 3m2 một người. Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 40% mức sống tối thiểu của người lao động, dinh dưỡng không đủ, nơi ở quá chen chúc, mất vệ sinh, số đông công nhân ở đây đã trở thành những hộ, những người "đói kinh niên”.

Báo Hà Nội mới ngày 26-5-2012, trong bài về đời sống quá nghèo nàn của công nhân khu công nghiệp đã kể tới gia đình anh Nam và chị Mơ ở tỉnh Tuyên Quang về Hà Nội làm công nhân tại Công ty Nisci (Khu công nghiệp Thăng Long) được ba năm. Lương tháng hai vợ chồng và hai con không những không tháng nào đủ ăn, đôi khi cả nhà ăn cháo chờ có lương mới. Hai vợ chồng đã phải bàn để vợ và hai con về quê còn chồng tiếp tục ở lại làm công nhân.
 
Cho đến nay rất ít KCN, KCX ở TP.Hồ Chí Minh xây dựng được nhà trẻ, trường mầm non. Báo "Tiếp thị Saion” ngày 23-5-2012 đăng phóng sự

"Tạm bợ đời thợ” đã nói đến cái đói ở một xưởng sản xuất đồ gỗ ở TP.Hồ Chí Minh: "Hồi tháng trước có một công nhân bị máy cắt cụt ba ngón tay, còn lại ngón trỏ và cái. Hai người trước bị thương đã lâu đều cụt hết bốn ngón. Đây là tai nạn nặng, còn dập tay (đút vào máy đang chạy), hay dăm gỗ, vít cắm vào người là chuyện thường. Hỏi thêm mới biết các máy cắt, khoan đều an tòan nhưng tai nạn vẫn xảy ra do công nhân gây ra. Liên tưởng đến những bữa ăn mà năng lượng nạp vào không tương xứng với sức bỏ ra và những cơn đói cuối buổi của người công nhân nơi đây mới hiểu tại sao tai nạn lại dễ xảy ra: đói mờ mắt làm sao tập trung”.

Lao động lúc nào cũng trong hoàn cảnh thiếu ăn, tan ca là lúc đã kiệt sức, tác giả bài báo đã nhận xét về đông đảo công nhân như sau:

"Năm phút trước tan ca, đứng lùi lại chút để nhìn rõ hơn cái công xưởng nơi gần một trăm con người đang nhấp nhổm chờ còi mới thấy rõ cái vẻ tiều tụy, kết quả của những tháng ngày đói ăn, khát uống, ở mất vệ sinh. Đàn ông, thanh niên ai cũng đều gầy gò trơ xương. Phụ nữ những cô đang tuổi lớn và thời kỳ đẹp nhất của thời con gái ba vòng cứ phẳng lỳ, bà có tuổi bụng chướng to lên như đang mang thai. Tất cả có một điểm chung là mầu da xam xám, dấu hiệu của bệnh hô hấp và những bàn chân gân guốc, to bè vì đứng nhiều”.
 
Bình Dương là tỉnh chăm lo khá tốt đến đời sống công nhân với một bệnh viện 400 giường và sân bóng đá, hồ bơi, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí. Rất tiếc nhiều địa phương khác còn xa mới bằng Bình Dương.

Năm 2002, hộ đói kinh niên ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tập trung ở đội quân nhặt rác thải. TP.Hồ Chí Minh có 250000 công nhân, lao động trong 15KCN, KCX, chỉ có hơn 20% công nhân đời sống đỡ khó khăn, chủ yếu dân thành phố có chỗ ở ổn định. Còn tới hơn 70% công nhân, lao động trong các KCN, KCX trên cả nước lương nói chung 2 triệu hoặc 2 triệu rưỡi đồng/tháng.

Mỗi ngày đã phải làm từ 8 đến 10 giờ, hầu hết công nhân còn làm thêm 2 hoặc 3 giờ nữa để tăng thêm thu nhập, làm cả ngày chủ nhật nên càng đuối sức. Ngay cá, thịt được mua giá "ôi thiu” đối với họ cũng đã xa vời, nhiều công nhân chỉ mong chẳng đâu xa, giá mà được trở về với mức sống như mấy năm 2005-2006. Hà Nội hiện có 8KCN, KCX với hơn 390 DN và hơn 120.000 công nhân.

Tỉnh Đồng Nai có 30 KCN và cụm công nghiệp với 400.000 công nhân, lao động, tỉnh Long An có 11 KCN với 48.000 công nhân… Công nhân, lao động ở các KCN, KCX đang vắt kiệt sức chỉ mong được sống ở mức tối thiểu nhưng mãi chưa được.

Giữa tháng 7-1984, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (Đại hội V) Ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh lần đầu tiên đòi hỏi phải loại bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang cơ chế thị trường.

Ông nói những người làm công, ăn lương chỉ còn đủ sống 10 ngày là cùng, ông kêu gọi "phải cứu giai cấp công nhân”. Từ đó đến nay đã 28 năm nhưng những vấn đề về đời sống của công nhân vẫn bức thiết.
 
Hai khu vực: doanh nghiệp nhà nước và khu công nghiệp khu chế xuất đều hoạt động và sống nhờ ngân sách nhà nước. KCN, KCX làm ra tiền của cho ngân sách, xuất khẩu mang về ngoại tệ, riêng hai ngành Dệt may và Da, giầy năm 2011 đã thu về hơn 20 tỷ đô la Mỹ, thế nhưng công nhân các KCN, KCX cực khổ đến nỗi một số phải bỏ nghề.

Còn doanh nghiệp nhà nước nhận tiền ngân sách, tiền dân đóng thuế để sản xuất, kinh doanh tuy đã được những kết quả nhất định song vẫn chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước (50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA).

So sánh những gì mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã làm được với những gì mà cả nền kinh tế phải gánh chịu vì sự thua lỗ kéo theo lãng phí tham nhũng của một số tập đoàn, tổng công ty thấy Nhà nước ta nuối DNNN tốn kém quá, trong khi ở các nước khác DNNN phải nuôi Nhà nước.
 
Tiền của dân nên chi tiêu rất phóng tay, xin nêu ví dụ gần đây nhất. Bộ Giao thông vận tải đầu tư cho Vinalines 100.000 tỷ đồng, sau đó vỡ lở thua lỗ, nợ nần ở Vinalines, báo chí đưa tin, lập tức người ta thông báo chỉ còn đầu tư cho Vinalines 68.000 tỷ đồng thôi. Người ta cắt 32.000 tỷ đồng quá nhanh và dễ dàng như cắt vài tỷ đồng, trong khi đầu tư để phục vụ dân thì xin vài trăm tỷ đã chờ mỏi mắt.
 
Bàn đến việc xây nhà cho công nhân ở KCX, KCX, cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận một thực tế như sau: "Sau hai năm triển khai, cả nước có 27 dự án được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 140.000 công nhân, song chỉ mới có một dự án được ký hợp đồng tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân chưa đạt mục tiêu đề ra”. (Trích trong Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 30-10-2011)
 


Công nhân vẫn đang phải ở nhiều khu nhà trọ xập xệ
 
Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng trụ sở mới 12.000 tỷ đồng. Nếu với 3.000 tỷ đồng có thể giải quyết chỗ ở cho 140.000 công nhân thì tiền xây trụ sở mới của Bộ Giao thông vận tải có thể giải quyết chỗ ở cho nửa triệu công nhân.

Hàng chục trụ sở của tập đoàn, tổng công ty đã xây xong, đâu có kém trụ sở của các Bộ. Chỉ có nhà ở cho công nhân cùng nhà trẻ, lớp mẫu giáo… dù đã có chỉ thị, quyết định của Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố nhưng xây dựng rất chậm, khi thì thiếu đất, khi thì thiếu tiền

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai (nơi có 400.000 công nhân KCN và cụm CN) Nguyễn Thanh Lâm: "Nhìn chung còn manh mún, không hoàn chỉnh, tạm bợ, hệ thống hạ tầng yếu là do các nhà đầu tư rất ngần ngại xây dựng nhà cho công nhân vì không hấp dẫn về lợi nhuận…”.
 
Đông đảo công nhân, lao động đều thấy giặc nội xâm, tham nhũng, lãng phí hết sức trầm trọng. Công nhân gần như ngày nào cũng lao động quá sức lại chỉ được hưởng ít, quá ít, trong khi có những người làm ít lại hưởng nhiều, quá nhiều, vừa gây ra thua lỗ nợ nần vừa chi tiêu rất hoang phí, sống xa hoa, hưởng lạc bằng tiền dân đóng thuế mà từ lâu dư luận đã gọi họ là "con cưng”

Đáng lẽ họ phải bị kỷ luật, mất chức từ lâu nhưng họ vẫn được nuông chiều, vẫn an toàn tại chức, vẫn lên lương lên chức, để làm giàu cho cá nhân, vẫn đứng trên, đứng ngoài kỷ luật, pháp luật.
 
Trước đây vì nể nang, né tránh ít nói đến họ, chưa vạch rõ để xẩy ra lãng phí, tham nhũng tiền dân đóng thuế là phạm tội ác, nên hậu quả tai hại là vì vậy, họ ngày càng đông đang thành một tầng lớp.
 
Đội ngũ "con cưng” vẫn còn thì việc cải thiện đời sống về mọi mặt cho đông đảo công nhân, lao động còn rất lâu dài.
 
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn