Chính phủ không có bổn phận mua nợ xấu ngân hàng

Thứ ba, 12/06/2012, 10:04
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng không nên để cơ quan hành chính điều hành công ty mua bán nợ và nợ xấu ngân hàng phải chia thành các loại để bán tương xứng với chất lượng.
 
>> Nói và làm: Khó khăn lại trông vào nhà nước?
>> Nợ công Việt Nam: Nguồn rủi ro nằm ở doanh nghiệp nhà nước

Trên diễn đàn Quốc hội hôm 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng từ 6% lên 10%, khiến chi phí vốn đắt đỏ, ngân hàng không có điều kiện đẩy mạnh cho vay.
 
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành 
 
Ngân hàng Nhà nước dự kiến phối hợp với các bộ, ngành thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
 
Nguyên tắc hoạt động của công ty này là tạo ra một thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết cho vay.
Đến bây giờ, đây vẫn chỉ là đề xuất, chưa ai nói số tiền 100.000 tỷ đồng sẽ lấy ở đâu, tổ chức công ty như thế nào, ai quản trị. Nhưng dù Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính đứng ra tổ chức, công ty này cũng phải hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh thực sự. Nghĩa là khi mua nợ thì phải mua đúng giá và bán có lời.
 
Nếu kinh doanh mua bán nợ xấu mà không có lãi, thì ai mua. Mà lỗ lại hại ngân sách, do đó phải là công ty kinh doanh. Nhà nước có thể tạo điều kiện bằng cách cung cấp một số vốn, nhưng không phải Nhà nước đứng ra mua để gánh nợ xấu cho ngân hàng.
 
PV: Ông nói rằng công ty mua bán nợ xấu phải kinh doanh có lời. Vậy như thế nào thì được coi là có lời?
 
Bùi Kiến Thành: Tức là, phải thẩm định giá trị thực của nợ trước khi mua. Khi đó, nợ xấu 10% thì bán 10%, 20% thì bán 20%... Chứ bây giờ anh nợ xấu 100% mà anh đòi tôi mua cả, thì khó.
 
Về giá, cứ tưởng tượng rằng, ngân hàng bán nợ xấu cũng giống như bán cam ở chợ. Cam phải được phân ra từng loại, chua để sang một bên, ngọt để một bên, thối để một bên… Không thể bán cam chua, cam thối theo giá của cam ngọt được.
 
Vậy theo ông, việc mua bán nợ nên giao cho cơ quan nào là phù hợp?
 
Cái này phải hỏi lại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa nói rõ là cơ quan nào, mà chỉ “bắn tin” đó có thể là quỹ này quỹ kia, nhà đầu tư trong nước, hoặc nước ngoài.
 
Một số ý kiến thì cho là Chính phủ. Nhưng Chính phủ đâu có bổn phận phải thu mua nợ xấu của ngân hàng. Cho nên phải bàn bạc thật kỹ, vì chưa chắc số nợ xấu của ngân hàng đã là 100.000 tỷ mà có thể rất là nhiều, lên tới 200.000 tỷ, 300.000 tỷ đồng thì sao?
 
Vì theo công bố, bản thân các doanh nghiệp nhà nước đã nợ ngân hàng 415.000 tỷ rồi, trong đó có 218.000 tỷ đồng là của 12 tập đoàn, tổng công ty và chưa kể số còn lại từ các doanh nghiệp, cá nhân khác.
 
Cho nên, vấn đề trước mắt cần phải xác định được có tổng cộng bao nhiêu nợ xấu. Rồi sau đó hãy quyết định xem cơ quan nào có đủ tiềm lực để mua bán hết số nợ này: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay Công ty mua bán nợ Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại với nhau hay nhà đầu tư nước ngoài?
 
Vậy khi thành lập công ty mua bán nợ xấu, cần lưu ý những điều gì để đảm bảo việc mua bán nợ diễn ra minh bạch và không phát sinh tiêu cực?
 
Không nên giao việc này cho các tổ chức hành chính, vì đã là hành chính thì như chúng ta thấy, có hiện tượng “phong bao, phong bì”. Rất có khả năng, công ty mua bán nợ sẽ dùng tiền mua sản phẩm dưới chuẩn, không chất lượng tạo ra những vấn đề khác không giải quyết được. Càng không thể biến công ty này thành nơi để ngân hàng làm sạch những khoản đầu tư không chính đáng ở “sân sau” của họ.
 
Do đó, nếu thành lập, cần tạo cho nó một hoạt động an toàn, mua nợ với giá thực tế, và có thể bán lại. Không được thành lập công ty theo kiểu nhà nước, công chức, viên chức. Vì chúng ta thấy thực tế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là như thế nào rồi.
 
Ngoài ra, cũng cần phải lường trước được nguy cơ, khi thấy có công ty mua bán nợ, nhóm lợi ích ngân hàng sẽ “quét nhà”, đủn hết nợ sang để lấy tiền. Bán được nợ xấu, thối thì ngân hàng sướng rồi, còn nó xấu bao nhiêu, thối bao nhiêu, thì cái anh công ty kia phải chịu. Các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước cùng hào hứng vì đẩy được “nợ thối” qua các công ty mua bán nợ này.
 
Quy mô nợ xấu cần xử lý lên tới 100.000 tỷ đồng, một số ý kiến cho rằng nên phát hành trái phiếu để có tiền mua bán nợ. Còn ông nghĩ sao?
 
Quan trọng là cơ quan nào sẽ đứng ra tổ chức công ty mua bán nợ nói trên. Nếu Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu cho ngân hàng thương mại, thì chẳng hóa ra cho vay để mua lại nợ của chính mình à? Sẽ không hợp lý.
 
Nhưng không loại trừ khả năng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn vào nợ xấu như một sản phẩm có thể đầu tư, song chắc chắn sẽ không mua với 100% mệnh giá.
 
Còn nếu do Công ty mua bán nợ Bộ Tài chính (DATC) đứng ra mua, thì Bộ Tài chính có thể cung cấp tiền cho DATC bằng cách phát hành trái phiếu. Nhưng đây mới chỉ là giả thuyết.
 
Khi ngành ngân hàng công khai số nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ, theo ông thống kê này gây hệ quả gì cho xã hội?
 
Ảnh hưởng cũng không lớn lắm, vì nợ của doanh nghiệp nhà nước 415.000 tỷ đồng chủ yếu do vay của các ngân hàng quốc doanh. Những ngân hàng thương mại còn lại, trừ Habubank không hiểu vì sao lại cho Vinashin vay nợ đến 3.000 tỷ đồng, hầu hết đều không có nhiều nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.
 
Vấn đề cần quan tâm bây giờ là giải quyết nợ xấu, mà muốn giải quyết thì phải công khai. Vì nợ xấu làm đóng băng hết tín dụng, nền kinh tế không tăng trưởng được. Giờ, phải giải tỏa quy định pháp luật về việc ngân hàng tiếp tục cho vay với doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp mà không vay được, thì ngân hàng không cho vay được dù lãi suất có hạ thế nào đi chăng nữa. Doanh nghiệp mà chết thì ngân hàng cũng chết.
 
Theo TTVN

Các tin cũ hơn