Hạ lãi suất: Cơ hội cho tín dụng "đen" trỗi dậy?

Thứ ba, 12/06/2012, 08:06
 Nếu lãi suất cứ tiếp tục “hạ nhiệt”, tín dụng “đen” liệu có cơ hội trỗi dậy hay không? 
 
 
Việc trần lãi suất huy động giảm về 9%/năm từ ngày 11/6 khiến nhiều người bày tỏ quan ngại đây sẽ là cơ hội cho tín dụng “đen” trỗi dậy. 

Nhìn lại, mặc dù lãi suất được giảm liên tục trong vài tháng qua, tín dụng vẫn tăng trưởng âm mà nguyên nhân được xác định là do nợ xấu. 

Mới đây, xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thành lập một công ty mua bán nợ xấu với số vốn lên tới 100.000 tỷ đồng. Đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. 

Tất nhiên, mục đích công khai của việc này là cứu doanh nghiệp (DN). Nếu Chính phủ đứng ra mua lại khoản nợ xấu này, NH lập tức sẽ đẩy mạnh cho vay, DN sẽ tiếp cận được vốn, sản xuất sẽ được kích hoạt, đà giảm phát sẽ được chặn lại... 

Nhìn trực diện thì rõ ràng, đây là tín hiệu rất tốt, rất khả quan và hợp lý để giải quyết “cục máu đông”, tức nợ xấu đang chặn dòng chảy vốn từ ngân hàng tới các DN. 
 
100.000 tỷ đồng liệu có đủ? 

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là cách hy sinh tiền nhà nước để cứu vãn quyền lợi của thiểu số ngân hàng. Đã có nhiều ý kiến trái chiều bàn luận quanh việc "bơm" khỏan tiền 100.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, không nên quá kỳ vọng vào công ty mua, bán nợ xấu của NHNN. Ông Ngoạn cho rằng, đây chỉ là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu, chứ không thể giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nói: “Tôi nghĩ rằng cục nợ xấu của Việt Nam là phức tạp và cần một khối lượng tiền tương đối lớn để giải quyết việc đó. 100.000 tỷ đồng liệu đã đủ hay chưa? Có lẽ cái đó nên để thực tế trả lời. 

Theo tôi, nhu cầu vốn để giải quyết cục máu đông này sẽ không phải là nhỏ nếu nói tới tất cả nợ xấu của ngân hàng, nợ của Ngân hàng Nhà nước và nợ của một số DN khác. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế đã có đánh giá là số tiền đó sẽ ở vào khoảng 5 – 15% GDP, đâ là một con số lớn để chúng ta thấy rằng số tiền đó không phải là khoản nhỏ”. 

Theo quan điểm của một số chuyên gia khác, nếu thành lập công ty mua bán nợ xấu thì Nhà nước chỉ góp một tỉ lệ vốn nhất định, ví dụ như góp tối đa 30% vốn điều lệ dưới dạng bảo lãnh cho công ty phát hành trái phiếu huy động vốn, còn lại 70% vốn điều lệ sẽ phân bổ theo mức độ nợ muốn giao dịch của các NHTM. 
 
Tín dụng "đen" có cơ hội trỗi dậy không khi lãi suất hạ nhiệt hơn nữa từ 11/6? 
 
Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng âm 0,76%, và khả năng tăng trưởng tín dụng trong tháng 6/2012 cũng không nhiều. Nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 – 17% trong năm nay khó đạt được. Liệu đây có phải là cơ hội cho tín dụng “đen” trỗi dậy hay không khi mà lãi suất cứ tiếp tục giảm như thế? 
 
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Doanh nói: “Nếu lãi suất cứ giảm và nếu nó giảm dưới mức lạm phát thì người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng ra. Họ sẽ bắt đầu cho vay lẫn nhau với lãi suất cao hơn. 

Và tôi không nghĩ rằng đó là điều chúng ta mong muốn. Tôi tin rằng NHNN sẽ có biện pháp để ngăn chặn điều đó. Không nên từ chối việc mua lại, sáp nhập DN để có nguồn vốn rẻ hơn và có thể vay được vốn từ ngân hàng”. 

Đồng quan điểm với ông Doanh, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà Nước cho biết: “NHNN tiến hành điều chỉnh các mức lãi suất nhằm mục đích giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ nêu tại Nghị quyết 13. 

Qua theo dõi số liệu, chúng tôi thấy mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 tháng đầu năm đã giảm đáng kể so với năm 2011, đó là giảm từ 2 – 5%. Trong vài ngày gần đây, một số ngân hàng đã liên tiếp giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Đây là những tín hiệu đáng mừng từ kinh tế vĩ mô”. 

Trên thực tế, tín dụng “đen” cũng sợ nợ xấu. Thay vì cho vay ồ ạt, các trùm tín dụng đen chỉ dám tìm khách quen để "chọn mặt gửi tiền".

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định, ngay cả các trùm cho vay nặng lãi cũng sợ vỡ nợ, mất vốn.


Theo VTC News

Các tin cũ hơn