Tệ nạn tấn công làng đại học: Cho sinh viên vay nặng lãi

Thứ ba, 12/06/2012, 10:19
Bỏ bê chuyện học hành, nhiều sinh viên (SV) lao vào con đường cá độ, lô đề, bài bạc dẫn đến nợ nần chồng chất. Để có tiền tiếp tục đeo đuổi đam mê, nhiều SV sẵn sàng vay tiền nóng.
Trong vai một SV vừa thua lô đề, cần tiền gấp để trả nợ, tôi liên hệ với T. - một tay cho vay nóng tại làn ĐH. Sau khi nghe tôi trình bày và có sự bảo lãnh của một người quen, T. mới chấp nhận: “Nếu vay 10 ngày trở lên thì tiền lãi là 10.000 đồng/ngày/1 triệu đồng, nếu dưới thì 20.000 đồng, chịu thì lấy”.

Sau khi tôi chấp nhận vay 3 triệu đồng với thời gian dài (tức 10 ngày trở lên), T. gật đầu và hẹn tôi 15 phút nữa sẽ có tiền.

Cảnh SV chen lấn để cáp kèo bóng đá tại một địa điểm trong làng đại học - Ảnh: Ngọc Bình

Theo tìm hiểu, T. là một tay bài bạc, lô đề có tiếng tại khu vực hồ cá (khu vực làng ĐH - KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). T. hoạt động khá kín đáo, chỉ cho những SV nào mà T. quen mặt vay tiền. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần có sự bảo lãnh của người quen là được, không cần CMND, thẻ SV hay bất cứ giấy tờ nào khác.
 
Thời gian gần đây, tại làng ĐH xuất hiện 2 tên có biệt danh là Cò và Tèo chuyên cho SV “mê” cờ bạc vay nóng.

Hằng ngày, Cò và Tèo thường xuyên lui tới các quán cà phê, sòng bài, bàn bi da để mời chào SV vay tiền. Luật bất thành văn, sau khi biết rõ về lai lịch, chỗ trọ và trường học của SV nào, Cò và Tèo sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp nhất 20.000 đồng/ngày/1 triệu đồng.

V. - một SV mê cá độ bóng đá tại đây, cho biết: “Mỗi lần thua cá độ thì gọi điện cho Cò hoặc Tèo là bao nhiêu cũng có. Mới hôm trước, tao lấy của thằng Cò 3 triệu nè, 5 ngày rồi chưa có tiền trả. Để hôm nào cầm chiếc xe lấy tiền trả chứ lãi khủng quá”.
 
Ngoài những địa điểm vay nóng thì nơi nhiều SV nghiện đỏ đen thường tìm đến là các tiệm cầm cố tài sản. Tại làng ĐH, hiện có 3 cửa hiệu cầm đồ. Máy tính, xe máy là hai thứ SV hay cầm nhất.

Ngoài ra, còn có các chủ quán tạp hóa lớn, chủ tiệm internet, tiệm mua bán và sửa chữa máy tính nhận cầm đồ của SV.

Giá cầm máy tính thường dao động 3 - 5 triệu đồng tùy loại máy với lãi suất 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Xe máy thì 5 - 12 triệu đồng tùy loại xe với lãi suất 70.000 đồng/tháng/1 triệu đồng. Với lãi suất trên, đã có nhiều SV vì không có tiền đã chấp nhận bán rẻ những chiếc xe, máy tính mà gia đình đã chắt góp mua cho. 

T. đang thỏa thuận cho một SV vay nóng - Ảnh: Công Nguyên

Những cuộc chạy trốn

Quán nhậu, quán bi da, karaoke nhiều hơn tiệm sách.

Theo thống kê sơ bộ của người viết, hiện tại làng ĐH có 12 quán karaoke, 7 quán bi da và gần 20 quán nhậu luôn đông đúc SV từ trưa đến chiều tối.

Trong khi đó, các tiệm sách phục vụ cho việc học tập, trau dồi kiến thức thì vỏn vẹn 4 tiệm nhưng với quy mô nhỏ (trừ nhà sách Nguyễn Văn Cừ). Các tiệm sách này cũng đang “chết dần, chết mòn” vì lượng SV tìm đến ngày một ít.
Sau những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, số tiền nợ lên tới vài chục triệu đồng, nhiều SV phải chạy trốn để thoát thân. Trong giới cá độ tại làng ĐH, không ai không biết tới Ng., SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (quê Bình Phước).

Ng. là một trong những tay cá độ bóng đá với số tiền rất lớn. Sau những lần cháy túi, Ng. bị các “ông trùm” cá độ lôi kéo làm “cò” bắt kèo để ăn hoa hồng. Trong một đêm cáp kèo giải Ngoại hạng Anh, vì quá tin tưởng Nam (quê Hà Tĩnh) nên Ng. đã ôm nợ 30 triệu đồng.

Nam sau đêm đó bỏ trốn biệt tích. Còn Ng. nợ 30 triệu đồng, mỗi ngày phải trả tiền lãi 300.000 đồng. Ng. về phòng gom hết máy tính, xe máy của bạn gái đi cầm nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Bị một số người lạ nhắn tin đe dọa và tìm tới phòng trọ đòi nợ. Quá hoảng sợ, Ng. cầu cứu gia đình đem tiền xuống trả. Sau đó, Ng. trốn về quê.
 
S. (SV Trường ĐH Thể dục thể thao, quê Quảng Ngãi), trong một đêm thua cá độ nặng nề đã quyết định tìm đến sòng bài với hy vọng gỡ lại vốn. Số tiền đặt cho các ván bài mỗi lúc một cao hơn, S. lao vào như con thiêu thân.

Tiền ngày càng cạn kiệt. S. chấp nhận viết giấy nợ 30 triệu đồng lấy tiền chơi tiếp. Số tiền đó cũng nhanh chóng ra đi, S. cầm luôn chiếc xe gắn máy. Sòng bài tan, tiền trong túi S. cũng hết nhẵn. Điện thoại S. liên tục nhận được tin nhắn: “Mày đâu rồi, đem tiền trả cho tao mau”.

Sau đó, S. bị nhóm giang hồ truy lùng ráo riết. S. phải gọi về nhà trình bày sự thật. Vài hôm sau, bố S. cầm tiền vào thanh toán các khoản nợ, chuộc lại xe. Gần đây, nhiều SV không còn thấy S. xuất hiện tại làng ĐH nữa.
 
Làng ĐH là nơi sinh sống, học tập, rèn luyện của những cử nhân tương lai. Nhưng giờ đây, với môi trường phức tạp, phòng trọ tạm bợ, tệ nạn bủa vây đã khiến cho cuộc sống của SV nơi đây trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Những trò đỏ đen thâu đêm, những lô đề huyền bí… đã và đang “dẫn dắt” một số SV vào con đường tệ nạn phải bỏ học.
 

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn