Ì ạch xây kho trữ lúa

Thứ ba, 12/06/2012, 10:28
Chương trình xây dựng hệ thống kho trữ 4 triệu tấn ở ĐBSCL triển khai từ cuối năm 2009, thế nhưng đến nay nhiều dự án đang... giậm chân tại chỗ trong khi vụ thu hoạch lúa hè thu đang tới gần.

 
Trên địa bàn tỉnh An Giang, ngoài các dự án thuộc hai tổng công ty lương thực thì UBND tỉnh phê duyệt đầu tư mới các kho chứa 623.000 tấn và đã có 18 doanh nghiệp (DN) đăng ký 66 dự án xây dựng kho trữ với tổng sức chứa 489.000 tấn.

Tới nay dự án của hai đơn vị trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ở cụm công nghiệp Mỹ An, huyện Chợ Mới không thể triển khai vì chưa giải phóng mặt bằng, mặc dù đã tạm ứng trước 20 tỉ đồng bồi hoàn cho địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, phó tổng giám đốc Vinafood 2, cho biết việc xây dựng tại đây phải dừng lại và chuyển qua địa điểm khác.

 
Khu chuyên doanh lúa gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam, trong đó có phân bổ xây kho ở Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ), hiện mới san lấp xong mặt bằng và xây hàng rào


Riêng 18 DN đã đăng ký hiện mới có Công ty CP Du lịch An Giang hoàn thành kho chứa 15.000 tấn, Công ty Lương thực Phú Vĩnh triển khai hai dự án ở huyện Thoại Sơn mới hoàn thành một kho chứa 15.000 tấn. “Ngoài ra nhiều dự án mới đang san lấp mặt bằng, số thì chưa thể triển khai. Hiện bốn DN đang chờ ngân hàng thẩm định hồ sơ vay vốn để thực hiện” - ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay.
 
Tại Kiên Giang, cùng với các dự án của hai tổng công ty lương thực thì có tám DN đăng ký thực hiện hệ thống kho trữ 269.000 tấn. Theo phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trần Quang Cũi, hiện mới có bốn đơn vị hoàn thành xây dựng kho với tổng sức chứa 54.000 tấn.
 
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hiện tổng lượng kho xây mới tại ĐBSCL chỉ đạt chừng 1 triệu tấn trên chỉ tiêu 2,5 triệu tấn.
 
Lý giải việc triển khai chậm, VFA cho rằng hầu hết DN sau khi được phê duyệt dự án không tiếp cận được nguồn vốn vay. Mặc dù có chính sách ưu đãi đầu tư nhưng các bộ ngành lại chậm ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời nhiều tỉnh cũng chậm phê duyệt các dự án đầu tư kho trên địa bàn, hiện mới có An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng đã phê duyệt danh mục đầu tư giao cho các DN thực hiện.

Trong 18 DN đăng ký xây dựng kho trữ trên địa bàn An Giang, hiện mới có Công ty CP xuất nhập khẩu Thịnh Phú được giải ngân 190 tỉ đồng khi xin vay 240 tỉ đồng. Bốn DN khác đang chờ Ngân hàng NN&PTNT thẩm định hồ sơ vay. “Có đơn vị đã thẩm định xong, nhưng thấy lãi suất tới 14,4%/năm nên ngán ngại không dám giải ngân” - ông Đoàn Ngọc Phả nói.

 
Theo báo cáo của VFA, Chính phủ đã có văn bản đồng ý kéo dài thời hạn hoàn thành đến hết năm 2013. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần thống nhất về việc vay vốn, hỗ trợ lãi suất hoặc hỗ trợ sau đầu tư. VFA đề nghị cần rà soát và đôn đốc việc triển khai các dự án của hai tổng công ty lương thực. Nếu hai tổng công ty không thực hiện hết chỉ tiêu thì chuyển giao chỉ tiêu cho UBND các tỉnh để giao lại cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.
 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích