Bến Tre: Thương lái ngưng thu mua, nông dân thả dừa trôi sông

Thứ ba, 12/06/2012, 07:37
Áp lực giá dừa giảm đang đè nặng lên dải đất cù lao được mệnh danh là xứ dừa: tỉnh Bến Tre.
 
Trong vòng một năm, mỗi chục dừa (12 trái) từ mức 120.000 đồng giảm còn 9.000 – 12.000 đồng. Đây là tác động trực tiếp của việc phía Trung Quốc ngưng mua dừa.
 
240 trái dừa khô = 1kg thịt bò

Ở xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) thương lái thu mua dừa khô ở mức 9.000 – 12.000 đồng/chục (12 trái). Với mức giá này, ông Nguyễn Văn Quang, chủ vườn dừa 2ha đắng giọng, lắc đầu nói: “Giờ phải bán cả trăm dừa khô mới mua được một ký thịt heo, còn nếu có đám tiệc, mua một ký thịt bò thì mất đứt hơn 200 dừa”.

Mức giá như vậy nên người trồng để trái tự rụng, không buồn mướn người bẻ. Dừa rụng không ai thèm lượm.
 


Dừa lên mộng, nông dân đành ương làm cây giống, mà cũng chưa biết bán cho ai. 

Giá bán gần như cho, song các chủ vườn dừa cho rằng, bán được là mừng rồi “chứ để trong nhà chỗ đâu mà chứa”. Ông Huỳnh Văn Hoanh ở xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) là người hiểu rõ tình cảnh này khi ông đang đổ dừa ngay ngoài bờ sông để “giới thiệu sản phẩm”.

Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại) ông Mai Thiên Phụng cho biết, xã nằm trong quy hoạch ngọt hoá này có khoảng 700ha đất trồng dừa, chiếm gần 99% đất nông nghiệp thì nay giá dừa ngày càng giảm đã khiến người dân đốn bỏ gần 20ha dừa, đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm…

Trong khi ở Bến Tre bị tồn ứ dừa khô thì ở các tỉnh lân cận càng khốn đốn. Giá thu mua dừa ở Trà Vinh, Cà Mau… còn xuống dưới mức 9.000 đồng/chục. Người trồng dừa càng thất vọng hơn khi không có người mua. Dừa khô trở thành thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trước tình thế như vậy, phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận (Bình Đại, Bến Tre) nói rằng: “Biện pháp duy nhất có thể trong lúc này là động viên người dân duy trì vườn dừa bằng các phương thức xen canh nhiều loại cây, con để tạo thu nhập. Tránh tình trạng hết trồng lại chặt!”

Thiếu kho bảo quản

Theo hiệp hội Dừa Bến Tre, nguyên liệu dừa tập trung chủ yếu cho ngành chế biến cơm dừa nạo sấy. Tuy nhiên, tổng công suất chế biến của ngành công nghiệp này khoảng 400 – 500 tấn sản phẩm/ngày, tính ra các nhà máy phải hoạt động liên tục suốt 11 tháng trong năm mới tiêu thụ hết sản lượng dừa trong tỉnh.

Bà Phạm Thị Hân, phó giám đốc sở Công thương Bến Tre, cho biết: “Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tính đến thời điểm này tăng 20 – 30% cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, hiện tại, ngành công nghiệp dừa của Bến Tre không thể kham nổi tổng sản lượng dừa của toàn vùng. Cần có thêm những dự án đầu tư, nghiên cứu, định hướng, đa dạng sản phẩm từ dừa… mới có thể làm giảm áp lực thừa nguyên liệu”.

Theo bà Hân, sản lượng dừa bến Tre năm nay tăng thêm 40% do các vườn dừa mới trồng bắt đầu cho trái. Bên cạnh đó, dừa các tỉnh đổ về Bến Tre tăng khoảng 60% do không biết bán đi đâu.

Biện pháp thu mua, chế biến, tạm trữ… để giữ giá dừa đã được tính đến. Tuy nhiên, khả năng trữ của doanh nghiệp chế biến có hạn. Tại một số vựa thu mua dừa ở Bến Tre, 60 – 70% dừa nguyên trái đã lên mộng do dự trữ thời gian kéo dài 3 – 5 tháng, không thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cơm dừa nạo sấy.

Để xử lý dừa đã lên mộng, biện pháp được đề xuất là cạy cơm dừa, phơi thật khô làm nguyên liệu chế biến dầu dừa, chế biến dầu ăn.

Tuy nhiên, theo bà Hân, công nghiệp dầu ăn rất ít khi sử dụng nguyên liệu dầu dừa. Dừa tồn đọng trong vườn lâu ngày lên mộng được người trồng lựa những trái tốt ra để ương làm cây giống, trái không đẹp chỉ còn đường thả trôi sông. Kết quả là dân đóng đáy lãnh đủ.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích