Mỗi khi xăng dầu tăng giá thì giá cả dịch vụ và các mặt hàng tăng chóng mặt. Nhưng khi xăng dầu giảm, giá cả mặt hàng trên hiện vẫn "bình chân như vại”.
Nếu tính từ ngày 9-5 đến ngày 7-6, xăng dầu đã 3 lần giảm giá song giá hàng hóa, đặc biệt là giá dịch vụ không hề giảm. Vào ngày 7-3, khi giá xăng A92 tăng 2.100 đồng/lít, giá cước taxi ở khu vực TP. Hồ Chí Minh lập tức tăng, mức tăng từ 500 đến 1.500 đồng/km, nhưng sau 3 lần giá xăng giảm (kể từ ngày 9-5) giá cước taxi vẫn đứng yên.
Trước đó, mỗi lần xăng dầu tăng giá các công ty taxi, công ty vận chuyển hàng hóa đều "đệ trình” những khó khăn và mong được tăng giá cước vận chuyển, khi xăng giảm thì chỉ có một hãng taxi trên tổng số 30 hãng taxi thông báo giảm giá cước.
Cước vận tải vẫn chưa giảm khi giá xăng đã giảm
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Đến thời điểm hiện nay đã có Công ty taxi Vinasun thông báo giảm giá vận tải, cụ thể giảm 500đồng/km cho tất cả phương tiện vận tải của công ty. Nghe nói Công ty taxi Mai Linh và Sài Gòn Airport cũng đang rục rịch giảm giá. Hiệp hội đang vận động doanh nghiệp nên giảm giá cước khi giá xăng giảm 800 đồng/lít”.
Về phía Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội lý giải: "Vấn đề doanh nghiệp vận tải hàng hóa giảm giá cước vận tải khi giá xăng giảm hay không còn phụ thuộc vào hợp đồng vận tải của chủ công ty vận tải và chủ hàng. Thường thường trong hợp đồng của chủ công ty vận tải và chủ hàng có điều khoản thỏa thuận chênh lệch từ 3-10% giá cả phòng khi xăng dầu có những biến động về giá, vì vậy, Hiệp hội không thể can thiệp”.
Ông Chung cho biết thêm, về nguyên tắc khi xăng dầu giảm thì giá vận tải giảm càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp là khâu trung gian nên cũng không có lợi nhuận nhiều.
"Khi giá xăng tăng cao, giá cước vận tải phải trầy trật lắm mới được tăng giá và giá tăng không đáng kể. Mức giảm giá xăng dầu đợt này chưa đủ lớn để giảm giá cước, nếu giảm doanh nghiệp sẽ lỗ. Vả lại, chúng tôi còn phụ thuộc vào hợp đồng vận chuyển hàng hóa với đối tác”, đại diện một công ty vận tải hàng hóa thanh minh.
Mỗi lần tăng giá xăng dầu thì các loại hàng hóa và dịch vụ đều tăng - ít là 5% nhiều thì đến 30%, thị trường hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn mặt bằng giá cũ. Song khi xăng dầu giảm giá, đến thời điểm này không chỉ có các ngành dịch vụ không giảm mà nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng không có biến động theo chiều hướng giảm giá.
Thực phẩm tăng chứ không giảm
Ngày 11-6-2012 giá một số mặt hàng tại các chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng như: gà tam hoàng tăng 3 ngàn đồng/kg, cá lóc tăng 2 ngàn đồng/kg, cá điêu hồng tăng 2 ngàn đồng/kg.
Giá xăng giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá thực phẩm cao
Về mặt hàng rau như: bắp cải, khoai tây, dưa leo tăng từ 1-2 ngàn đồng/kg. Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) khẳng định: "Mặt hàng rau củ quả chỉ có biến động về giá theo mùa vụ, hoặc tăng khi giá xăng tăng. Ngoài ra, không có khái niệm giảm giá khi giá xăng giảm”.
Đại diện một số tiểu thương chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) đều cho rằng, giá xăng dầu giảm tiểu thương cũng muốn giá hàng hóa giảm theo để dễ bán hàng nhưng chủ các phương tiện vận chuyển (khâu trung gian) không giảm giá thì rất khó để giảm giá mặt hàng thực phẩm.
Xăng tăng giá, cước dịch vụ vận chuyển tăng, thực phẩm tăng, nhà hàng - quán ăn cũng tăng giá theo. Giá xăng giảm, giá các mặt hàng đều không "chuyển động”, đây chính là nghịch lý của thị trường tiêu dùng mà người tiêu dùng đang phải lãnh đủ.