Hiện, Luật Lao động sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua, nhưng Luật mới chỉ điều chỉnh với lực lượng lao động có quan hệ lao động, còn diện "lao động tự do" chưa được luật "chạm" tới.
Đây chính là vấn đề mà các chuyên gia lao động nhắc tới không ít trong các cuộc hội thảo về an sinh xã hội gần đây. Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về BHYT, BHXH…, còn lại là nông dân, lao động lành nghề.
Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình...
Theo thống kê, lao động tự do chiếm 23,5% tổng số những người đang độ tuổi lao động.
Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30 - 60% tổng thu nhập quốc gia. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, khu vực này lại cung cấp một nguồn việc làm lớn, dẫn đến sự chuyển dịch lao động.
Vậy nhưng, chính sách an sinh xã hội hiện vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực này, nên chuyện đóng BHXH và BHYT vẫn khá xa vời. Chưa kể, những lao động luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, hạn chế về năng lực, kiến thức và thường phải làm việc bất kể thời gian nào.
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, số lao động tham gia BHXH, BHYT trong khu vực phi chính thức chỉ có 0,19%. Chỉ một phần nhỏ lao động tiếp cận được với chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong khu vực này rất thấp, tới hơn 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.
Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng nhận định: Hiện nay, Luật Lao động chưa thể bao phủ hết các đối tượng lao động. Để bảo vệ người lao động ở khu vực lao động phi chính thức có các hội, hiệp hội như làng nghề, các hợp tác xã… nhưng cách thức để bảo vệ họ cũng rất khó.
Quản lý lao động tự do là vấn đề khó, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào có đủ khả năng quản lý, mới có thể đưa ra được chính sách, bởi nếu không, chính sách cũng không đi vào được cuộc sống.
Tuy nhiên, khi xã hội đang có sự chuyển đổi nguồn lao động phổ thông từ chính thức sang phi chính thức, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm phi chính thức. Điều quan trọng là xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức.
Trong một cuộc thảo luận về bảo hiểm thất nghiệp gần đây, bà Sukti Dasupta, chuyên gia cao cấp về thị trường lao động và nguồn nhân lực ILO Bangkok đã gợi mở: Tại Việt Nam chỉ một phần lao động có thu nhập được bao phủ trong Bảo hiểm thất nghiệp.
Chính vì vậy, cần bổ sung các biện pháp để những đối tượng lao động phi kết cấu được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bởi đó là một phần của chính sách thị trường lao động chủ động, như thế mới lấp đầy khoảng trống an sinh xã hội.
Đây cũng là điều những người làm chính sách lao động đang tính đến khi xây dựng Luật Việc làm, trong đó vấn đề bảo hiểm việc làm được kỳ vọng sẽ tạo nên một sự thay đổi mới trong chính sách, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động trên thực tế.