Dự án nghìn tỷ khiến dân mất đất, thất nghiệp

Thứ tư, 13/06/2012, 08:10
Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau hơn 4 năm khởi công vẫn... nằm im. Hàng trăm người đi học để làm việc tại nhà máy, nay đang thất nghiệp...

>> Nhiều dự án khủng vẫn nằm yên bất động
>> Thanh Hóa: Ì ạch dự án thép nghìn tỷ
>> Hàng loạt dự án có nhà thầu ngoại chậm tiến độ
>> Trà Vinh: Quan chức "gặm" tiền dự án hàng tỉ đồng


Dự án nghìn tỷ bỏ hoang

Nhà máy xi  măng Thanh Sơn do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy này được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, sản xuất theo phương pháp khô, điều khiển tự động với công suất 2.500 tấn clinker/ngày…
 
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất xi măng chất lượng cao, nhằm cung cấp cho thị trường miền Tây Thanh Hóa, các địa bàn nằm hai bên đường Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang nước bạn Lào, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách.

 
 
 Sau 5 năm khởi công, nhà máy xi măng Thanh Sơn mới chỉ xây dựng được vài hạng mục.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tập đoàn Sinoma (Trung Quốc) là đơn vị cung cấp thiết bị cho nhà máy. Để có mặt bằng xây dựng dự án này, huyện Ngọc Lặc phải giải phóng 35,78 ha đất nông nghiệp, và hoa màu của hơn 200 hộ dân ở 4 thôn Thanh Sơn, Vân Sơn, Lương Sơn và Hồng Sơn của xã Thúy Sơn, trong đó có gần 40 hộ phải di dời hoàn toàn.
 
Sau khi giải phóng mặt bằng, nhà máy đã khởi công xây dựng một số hạng mục như các công trình tạm, thi công san nền, xây dựng hệ thống cổng, tường rào…Theo dự kiến của phía chủ đầu tư đưa ra, nhà máy này sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.


Mất đất, còn bị ăn "bánh vẽ"
 
Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, để chuẩn bị cho nhà máy xi măng Thanh Sơn hoạt động, chủ đầu tư kêu gọi con em những gia đình nông dân bị thu hồi đất thuộc khu vực này tham gia đi học để về phục vụ cho nhà máy. Tuy nhiên, hơn 300 người sau khi đi học về, thì nay trở thành…thất nghiệp.
 
Ông Đỗ Xuân Tám, chủ tịch Hội Nông dân xã Thúy Sơn cho biết, để nhường đất cho dự án, gia đình ông phải bỏ đi 1,3 ha đất bãi. Sau đó, nghe theo vận động của nhà đầu tư, ông Tám động viên 3 người con của mình đăng ký đi học công nghệ sản xuất xi măng để về phục vụ cho nhà máy.
 
Nghe lời bố, các con ông đăng ký đi học, mặc dù lúc ấy đứa nào cũng đã có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định. Thậm chí, có đứa đang làm giáo viên cũng xin ra khỏi ngành để về đi học. Trong thời gian các con ông đi học, ông Tám phải chi ra 40-50 triệu đồng cho chúng theo học trong thời gian 14 tháng trời. Thế nhưng, từ khi học xong trở về đến nay, các con ông Tám đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
 
 
 Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi giờ bị bỏ hoang.

“Trước đây, vì tin vào lời thuyết trình của cán bộ nhà máy, nên chúng tôi mới động viên con, em mình đi theo học lớp đào tạo sản xuất xi măng để về làm cho họ. Ai ngờ, dự án này đã dừng hoạt động gần 2 năm nay, con em địa phương thì trở thành thất nghiệp cả lũ. Dân đã nghèo lại càng nghèo thêm vì không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm”, ông Tám bức xúc.
 
Tương tự như ông Tám, gia đình ông Phạm Ngọc Văn, ở thôn Hồng Sơn, cũng bị thu hồi đất để nhường đất cho nhà máy. Ông Văn cũng động viên hai đứa con đi học công nghệ sản xuất xi măng của nhà máy, mặc dù lúc đó các con ông cũng đã có công ăn việc làm ổn định. Thế rồi, khi nhà máy đào tạo nghề cho chúng xong, trở về quê để đợi trở thành công nhân sản xuất xi măng, thì lại trở thành thất nghiệp cho đến nay vẫn chưa tìm được việc làm.
 
Ông Phạm Thanh Sơn, Bí thư huyện ủy Ngọc Lặc cho biết, “hệ lụy của dự án xi măng Thanh Sơn để lại khá nặng nề cho cả chính quyền địa phương và người dân. Hiện nay, vấn đề nan giải nhất là hàng trăm con, em người địa phương đang thất nghiệp do đi đào tạo về đã gần hai năm nay nhưng không có việc làm. Huyện đã nhiều lần chủ động đấu mối với công ty, nhưng không thấy họ trả lời”, ông Sơn nói.

 

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn